Cổ phiếu FPT tăng mạnh trong phiên 27/11.
Sau 4/5 phiên tăng mạnh vừa qua, đưa chỉ số VN-Index về lại ngưỡng 1.240 điểm, thị trường chứng khoán bước vào phiên 27/11 dưới áp lực chốt lời ngắn hạn. VN-Index tăng nhẹ phiên ATO, sau đó giằng co chủ yếu quanh tham chiếu.
Đến 10h45, khi dòng tiền mua đẩy giá không còn, chỉ số VN-Index chính thức về dưới tham chiếu và giành phần còn lại của phiên sáng giao dịch trong vùng giá đỏ. Tạm nghỉ giữa giờ, VN-Index giảm nhẹ 0,66 điểm về còn 1/241,47 điểm, thanh khoản giảm 25% so với phiên 26/11 về còn 5.161,5 tỷ đồng.
Chỉ số VN30-Index vẫn giữ sắc xanh, tăng 0,75 điểm với công lớn tới từ cổ phiếu FPT tăng 2,66%. FPT có vốn hóa lớn thứ 3 sàn HOSE, đóng góp trực tiếp 1,3 điểm cho chỉ số VN-Index.
VN-Index mở cửa phiên chiều 27/11 tiếp tục diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu. Dù bên mua liên tục nâng đỡ thị trường nhưng lực bán vẫn có phần chiếm ưu thế, khiến chỉ số không thể thoát khỏi sắc đỏ vào cuối phiên.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index thu hẹp đà giảm trong phiên sáng, giảm nhẹ 0,16 điểm (-0,01%), về còn 1.241,97 điểm; HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,27%), về còn 223,09 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc đỏ với bên bán với 429 mã giảm và 335 mã tăng.
Màu đỏ cũng chiếm ưu thế trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, khi có đến 14 mã giảm so với chỉ 9 mã tăng. Tuy vậy, chỉ số VN30-Index chốt phiên tăng 1,84 điểm vượt ngưỡng 1.300 (1.301,06 điểm).
Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường phiên 27/11.
Trong đó, đà tăng của FPT được duy trì cho tới cuối phiên, góp công lớn trong việc kìm hãm đà giảm của thị trường. Phiên này, FPT tăng 2,7% lên 138.900 đồng/CP với 9,8 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, trực tiếp góp thêm 1,32 điểm vào chỉ số VN-Index.
Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò không nhỏ trong đà tăng của FPT, khi mua ròng 686 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với phiên 26/11. Việc mua ròng mạnh FPT cũng giúp khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp trên sàn HOSE với giá trị 355 tỷ đồng.
Dưới sự dẫn dắt của anh cả FPT, ngành công nghệ thông tin có mức phục hồi mạnh nhất thị trường với sắc xanh xuất hiện ở hàng loạt mã khác như ICT (1,6%), ITD (1,56%), CMG (1,31%)…
Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, tuy nhân nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HOSE vẫn giữ sắc xanh, trong đó có thể kể đến EIB (2,2%), LPB (1,3%), HDB (0,4%), SSB (0,3%), VCB (0,3%), BID (0,2%); riêng EIB, LPB, VCB và BID trực tiếp góp thêm gần 1 điểm cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, TCB, VIB, MSB, CTG, SHB và OCB chốt phiên trong giá đỏ, tuy nhiên đều giảm ít hơn 0,6%.
Tương tự là cổ phiếu bất động sản khi vẫn có nhiều mã tăng điểm mạnh, như QCG tăng trần, HDG tăng 2,3%, DXG và NVL cùng tăng 0,9%. Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu giảm giá bao gồm NGL (-1,6%), VCG (-1,1%), DXS (-2,3%). Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup là VIC, VRE và VHM giảm lần lượt 0,7%, 1,1% và 1,2%.
Minh Phong