Trong phiên hôm qua, sau những phút đầu tăng tốc, thị trường đã dần hạ nhiệt về cuối phiên khi khi thiếu vắng lực cầu mạnh, trong khi nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã chững lại, chỉ số VN-Index theo đó lùi về dưới 1.245 điểm khi đóng cửa.
Tuy thanh khoản trong phiên có sự cải thiện, nhưng khối lượng giao dịch vẫn chỉ ở mức trung bình 20 phiên. Theo giới phân tích, VN-Index đang có nhiều phiên tăng điểm trong nghi ngờ khi thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 27/11, đà tăng của thị trường tiếp tục chậm lại, khi bảng điện tử với sắc đỏ lấn át và dòng tiền duy trì ở mức thấp, chỉ số VN-Index vẫn phần lớn ở trên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch nhờ một số cổ phiếu lớn ngân hàng như VPB, VCB, BID nhích nhẹ, cùng FPT tăng hơn 2% khi chuẩn bị chốt danh sách cổ đông vào đầu tháng 12 tới để tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 bằng tiền theo tỷ lệ 10%.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ hoạt động kém, ngoại trừ QCG khi tiếp tục được kéo mạnh từ sớm lên mức giá trần +6,8% lên 12.550 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ đạt hơn 0,18 triệu đơn vị.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu NO1 sau liên tiếp hai phiên giảm sàn đã có tín hiệu nhận dòng tiền bắt đáy, khi tăng mạnh gần 5%, khớp được hơn 0,5 triệu đơn vị.
Dòng tiền chậm lại đáng kể ở nửa sau của phiên do nhà đầu tư thận trọng hơn, áp lực bán cũng gia tăng, dù không quá mạnh nhưng cũng đủ khiến bảng điện tử xuất hiện thêm nhiều sắc đỏ.
Chỉ số VN-Index theo đó đảo chiều lùi về dưới tham chiếu, trước khi thu hẹp đà đi xuống ở những phút cuối, tạm nghỉ giờ trưa gần như không đổi với thanh khoản sụt giảm mạnh.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 95 mã tăng và 254 mã giảm, VN-Index giảm 0,66 điểm (-0,05%), xuống 1.241,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 191,4 triệu đơn vị, giá trị 5.161,5 tỷ đồng, giảm 41% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,2 triệu đơn vị, giá trị 654,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu bluechip thêm một phiên hầu như ít biến động về giá, với biên độ tiếp tục chỉ dừng lại ở dưới 1%. Ngoại trừ cổ phiếu FPT khi tăng được 2,7% lên 138.800 đồng, khớp hơn 6,52 triệu đơn vị và cũng là mã thanh khoản khớp lệnh cao nhất toàn sàn HOSE.
Theo sau là các cổ phiếu STB, POW, TCB, SSI, HDB, HPG khi khớp được từ hơn 2,3 triệu đến hơn 4,6 triệu đơn vị và như đã đề cập, mức độ thay đổi về giá đều không đáng kể.
Nhóm các mã vừa và nhỏ cũng hầu hết không có thêm diễn biến mới đáng kể nào ở nửa sau của phiên. Trong đó, QCG vẫn giữ giá trần từ sớm +6,8% lên 12.550 đồng, nhưng chỉ khớp được 0,19 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,06 triệu đơn vị.
Cổ phiếu NO1 hạ nhiệt, khi chỉ còn +2,2% lên 11.800 đồng, khớp hơn 0,66 triệu đơn vị. Một cổ phiếu tăng khác đáng kể là VOS khi +3,3% lên 15.600 đồng, khớp được hơn 2,04 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút đầu tăng điểm nhẹ đã đảo chiều giảm về dưới tham chiếu, dù mức giảm cũng không lớn khi nhà đầu tư tiết cung giá thấp.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 1,06 điểm (-0,48%), xuống 222,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 15,2 triệu đơn vị, giá trị 244,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 33,5 tỷ đồng.
Sắc đỏ lấn át bảng điện tử, với các mã lớn nhỏ như SHS, CEO, MST, VFS, MBS, TNG, IDC, VC7, BVS, dù mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%, khớp lệnh từ 0,26 triệu đến 2,26 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự hai sàn chính, khi chỉ số UpCoM-Index từ sắc xanh đã lùi về dưới tham chiếu về cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%), xuống 91,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13 triệu đơn vị, giá trị 155,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,72 triệu đơn vị, giá trị 9,67 tỷ đồng.
Cổ phiếu KVC nổi bật, khi tăng tốc và chạm giá trần +7,7% lên 1.400 đồng, khớp 0,46 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như HBC +6,1% lên 5.200 đồng, khớp lệnh bất ngờ vươn lên cao nhất UpCoM với 2,78 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã BSR, BCR, VGT, BVB giảm điểm nhẹ, còn HNG, ABB, VGI, DRI đứng giá tham chiếu.
Lạc Nhạn