FPT sáng nay thanh khoản cao gấp hơn 4 lần so với sáng hôm qua nhưng cũng không thể bù đắp được sự sụt giảm giao dịch ở các cổ phiếu khác.
Thị trường đảo chiều giảm trong sáng nay khi dòng tiền mua đẩy giá không còn. Độ cao của giá lẫn chỉ số từ từ hạ xuống do bên bán cũng chưa xả hàng lớn. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn sụt giảm gần 30% so với sáng hôm qua phản ánh rõ nét tình trạng giằng co này.
Phải đến sau 10h45 chỉ số VN-Index mới chính thức đỏ, nhưng độ rộng đã nghiêng về phía giảm từ sớm. VN30-Index thậm chí cuối phiên sáng vẫn tăng nhẹ 0,75 điểm, cho thấy tác động níu giữ chỉ số từ các trụ. FPT tăng 2,66% là cổ phiếu rực rỡ nhất và cũng là duy nhất. Cổ phiếu này vốn hóa lớn thứ 3 trong VN-Index, đem lại 1,3 điểm cho chỉ số này, trong khi kết phiên, VN-Index giảm 0,66 điểm (-0,05%).
VCB cũng có chút ảnh hưởng dù mức tăng chỉ là 0,54%. Đây là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Ngoài ra cả rổ VN30 chỉ có thêm 3 mã khác tăng là HDB tăng 1%, MSN tăng 0,14%, SAB tăng 0,36%.
19 cổ phiếu giảm giá trong rổ VN30 không thể khiến chỉ số đại diện rổ đỏ, nghĩa là mức suy giảm vốn hóa còn không bằng mức kéo tăng của 5 cổ phiếu nói trên. Điều này đồng nghĩa với biên độ giảm rất nhẹ. Thực vậy, cổ phiếu giảm nhiều nhất là STB cũng chỉ mất 0,9%. Trong Top 10 vốn hóa, CTG giảm 0,71%, VHM giảm 0,47%, HPG giảm 0,76%, TCB giảm 0,42%, VIC giảm 0,49% đều rất nhẹ.
Mở rộng ra toàn sàn HoSE, độ rộng cuối phiên sáng chỉ có 95 mã tăng nhưng tới 254 mã giảm. Dù vậy không nhiều cổ phiếu giảm sâu. Cụ thể, chỉ có 52 mã giảm quá 1% và chiếm 14,5% tổng giá trị khớp lệnh sàn. Hai mã duy nhất đáng kể về thanh khoản là DCM giảm 1,58% khớp 204,7 tỷ và DPM giảm 2,2% khớp 142,5 tỷ. Toàn nhóm cũng chỉ có 14 mã có giao dịch trên 10 tỷ đồng thanh khoản.
Hiện tượng cổ phiếu đỏ nhiều nhưng giao dịch rất thấp cho thấy có hiệu ứng giảm mua. Sau nhịp tăng khá gấp gáp trước đó, VN-Index tiến vào vùng kháng cự quanh 1240 điểm và nhà đầu tư cầm tiền có lý do để chưa mua vội. Số đông đang chờ đợi một diễn biến điều chỉnh để có thể chọn giá thuận lợi hơn. Các lệnh mua bị lùi xuống giá sâu nên bên bán mới là người quyết định cổ phiếu sẽ giảm giá bao nhiêu và với thanh khoản cao hay thấp.
Trong tình huống bên mua đợi giá, các cổ phiếu sẽ chịu áp lực khác nhau. Thông thường những cổ phiếu đã tăng mạnh nhịp vừa rồi dễ bị bán dứt khoát hơn vì dù có hạ giá nhiều nhà đầu tư vẫn có lãi tốt, thanh khoản thường dễ tăng hơn. Tuy nhiên đến sáng nay tín hiệu này vẫn chưa rõ ràng. Toàn sàn HoSE có 20 cổ phiếu đạt giao dịch từ 50 tỷ đồng trở lên chiếm gần 55% tổng giao dịch sàn thì mới có 8 mã đỏ. Đây là những cổ phiếu tập trung thanh khoản cao nhất thị trường mà cũng chưa thể hiện sức ép đáng kể từ bên bán. Phần còn lại đa số giao dịch lẻ tẻ thì giá khớp không có tính tin cậy cao.
Phía tăng giá sáng nay vẫn cò 95 mã nhưng cũng chủ yếu là “may mắn” vì không có thanh khoản. Khoảng 35 cổ phiếu tăng trên 1% thì chỉ gần chục mã đáng kể về thanh khoản. FPT dĩ nhiên đứng đầu, thậm chí còn cao nhất thị trường với gần 901 tỷ đồng. Ngoài ra có thể kể tới HDB tăng 1% với 103,3 tỷ; CMG tăng 1,31% với 76,7 tỷ; NVL tăng 1,8% với 72,1 tỷ; HAH tăng 1,26% với 58,5 tỷ; VTP tăng 1,38% với 44,9 tỷ.
Động thái của khối ngoại có thay đổi đáng chú ý: Sáng nay tổng mức giải ngân trên sàn HoSE đạt 709,2 tỷ đồng, mức cao nhất 8 phiên và vị thế là mua ròng 82,5 tỷ. Khối này mua cực mạnh FPT với 285,4 tỷ đồng ròng. Ngoài ra chỉ có MSN với hơn 29 tỷ. Điều này nghĩa là thực chất khối này vẫn bán trên diện rộng dù các cổ phiếu cụ thể khá nhỏ, vị thế mua ròng có được là nhờ vài giao dịch cá biệt. Hai mã bị bán nổi bật là DCM -38 tỷ, FRT -33,5 tỷ.
Kim Phong