Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV)
Bà nhận định thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam cả năm nay?
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% và để đạt được mục tiêu này, ngân sách đầu tư công đã được điều chỉnh tăng 38% so với thực hiện năm 2024. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế cũng được đẩy lên mức 16%, cao hơn so mức thường thấy ở các năm trước. Để có không gian cho mở rộng kinh tế, mục tiêu lạm phát được đẩy lên cao tương ứng, từ 4,5-5%.
Chúng tôi tin rằng, Chính phủ sẽ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các mức thuế quan chỉ tác động trực tiếp lên xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, qua đó ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng. Ở kịch bản cơ sở và tích cực, chúng tôi ước tính, tăng trưởng GDP đạt mức bình quân của nền kinh tế (6-7%/năm), thách thức mục tiêu tăng trưởng 8%.
Thuế đối ứng vẫn chưa tác động đến kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025, thậm chí hoạt động xuất nhập khẩu còn tăng trưởng mạnh mẽ nhờ động thái tăng nhập khẩu hàng hóa trước thời hạn thuế quan có hiệu lực, gây áp lực lên tỷ giá khi cầu USD tăng.
Thưa bà, lạm phát, tỷ giá tăng sẽ gây khó khăn cho việc duy trì môi trường lãi suất thấp?
Tỷ giá hiện chịu nhiều sức ép khi giá USD trong nước có diễn biến ngược với giá thế giới, bất chấp USD Index giảm hơn 8% từ đầu năm đến nay. Thêm vào đó, Mỹ đã tham chiến ở Iran, làm dấy lên lo ngại về xung đột Israel và Iran, đẩy giá dầu tăng mạnh, khiến lạm phát leo thang.
Nếu tỷ giá và lạm phát tăng mạnh, sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc duy trì chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, môi trường lãi suất thấp như hiện nay. Đây sẽ là thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm.
Với cú sốc thuế đối ứng ngày 2/4, VN-Index đã rơi tự do hơn 20% chỉ trong vài phiên, nhưng đã phục hồi ấn tượng về mức trước khi giảm sau gần 3 tháng. Triển vọng thị trường thời gian tới thế nào?
Tâm lý thận trọng vẫn bao trùm trong trạng thái chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan, điểm số và thanh khoản chưa có sự bứt phá. VN-Index đang giao dịch ở mức P/E thấp hơn -1 độ lệch chuẩn so với trung bình P/E 10 năm, mở ra cơ hội tăng tiếp cho Chỉ số, khi có những cú huých từ các sự kiện, như kết quả đàm phán thuế đối ứng tích cực, Việt Nam được nâng hạng thị trường mới nổi vào tháng 9/2025.
KRX chính thức được vận hành từ ngày 5/5/2025, tỷ lệ đòn bẩy liên tục tăng cao. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường trong tháng 5 và tháng 6 giảm nhẹ, phần nào phản ánh sự thận trọng. Điểm tích cực là tiền gửi của khách hàng tại công ty chứng khoán có dấu hiệu phục hồi trong quý I/2025 và dư địa cho vay margin của các công ty chứng khoán còn rất lớn. Nhiều nhóm ngành vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn và có động lực tăng trưởng như bất động sản, tài nguyên cơ bản, điện nước, xăng dầu, khí đốt, hóa chất…
Dòng tiền của khối ngoại trên thị trường hiện ra sao?
Khối ngoại đã mua ròng trở lại trong tháng 5/2025 sau chuỗi bán ròng từ đầu năm 2024 đến nay, áp lực chủ yếu từ hoạt động rút vốn ròng của các quỹ ETF. Nửa đầu năm 2025, khối ngoại bán ròng khoảng 1,6 tỷ USD.
Lộ trình nâng hạng thị trường mới nổi tiếp tục được củng cố với việc triển khai giải pháp non-prefunding, gỡ khó trong mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, KRX chính thức đi vào hoạt động tạo nền tảng cho việc vận hành hệ thống CCP. Chúng tôi kỳ vọng, sau thời gian tham vấn ý kiến của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng thị trường mới nổi vào tháng 9/2025 và sớm nhất là MSCI vào năm 2026.
Với quan điểm thận trọng, chúng tôi kỳ vọng, vùng định giá hợp lý cho VN-Index là quanh 1,380 điểm, tương ứng P/E 12x và tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết ở mức 14% trong kịch bản cơ sở. VN-Index được dự báo giao dịch quanh vùng 1.200 - 1.300 điểm (P/E 11x và tăng trưởng EPS từ 12-14%) trong kịch bản tiêu cực và hướng tới vùng 1.400 - 1.500 điểm trong kịch bản tích cực (P/E 13x và tăng trưởng EPS từ 14-18%).
Vân Linh