Khôi phục xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc: Đa dạng các giải pháp hỗ trợ

Khôi phục xuất khẩu rau, quả sang Trung Quốc: Đa dạng các giải pháp hỗ trợ
6 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc tăng 3 lần
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng năm 2025 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 2 về thị trường xuất khẩu, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III năm nay
Riêng với mặt hàng sầu riêng, tính đến tháng 6, Việt Nam đã có 1.396 mã số vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Toàn bộ dữ liệu đã được số hóa, tích hợp vào hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia, góp phần tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện có 24 phòng thử nghiệm Cadimi và 14 phòng thử nghiệm vàng O đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Ông Đỗ Hồng Khanh, Chánh văn phòng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, trong 6 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.217 lô sầu riêng tươi với tổng sản lượng gần 130.000 tấn. Đáng chú ý, sầu riêng đông lạnh đạt kết quả đột phá khi xuất khẩu được 388 lô, tương đương 14.282 tấn, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đỗ Hồng Khanh cũng nhận định, xuất khẩu sầu riêng tươi có khả năng phục hồi từ quý III năm nay, đặc biệt là vào mùa vụ chính từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức độ phục hồi vẫn phụ thuộc lớn vào việc doanh nghiệp và nông dân có duy trì được điều kiện an toàn thực phẩm như đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm vẫn tái diễn, rủi ro xuất khẩu với ngành hàng này vẫn còn rất lớn.
Ngoài ra, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ tiếp tục là điểm sáng nhờ tính ổn định, khả năng bảo quản lâu. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dây chuyền chế biến và kho lạnh hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc và các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... “Để sầu riêng phát triển bền vững, cần tiếp tục tăng cường liên kết chuỗi, nâng cao chất lượng và tuân thủ nghiêm các quy định quốc tế”, ông Đỗ Hồng Khanh nhấn mạnh.
Trợ lực đưa xuất khẩu rau, quả trở lại "đường đua"
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau, quả lớn thứ nhất của Việt Nam. Hiện, Trung Quốc đã giảm thuế hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (trong đó, có trái cây tươi) trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Một trong những công đoạn tại dây chuyền chế biến hoa quả của DOVECO Sơn La. Ảnh Tùng Đinh
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội tại thị trường này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, nâng cao mức độ tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường, đặc biệt các mặt hàng có giá trị cao đang bị thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt.
Nắm bắt thông tin, theo dõi việc thông quan, xuất nhập khẩu nông sản qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh vào thời điểm thu hoạch chính vụ nông sản.
Tăng cường xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu các mặt hàng trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch và có lợi thế gia tăng thị phần như dừa tươi, thanh long, mít, chuối, dưa hấu, xoài, nhãn, măng cụt, vải thiều, chôm chôm, chanh dây, sầu riêng.
Tiếp tục đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nhằm hạn chế rủi ro cho chuỗi ngành hàng và người nông dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức họp song phương với cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia để nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thương mại giữa hai bên. Tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn hóa cơ sở đóng gói và đáp ứng những yêu cầu cơ bản của thị trường nhập khẩu.
Riêng với mặt hàng sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Bộ đã chính thức mời đoàn chuyên gia từ GACC sang Việt Nam kiểm tra thực địa chuỗi sản xuất và xuất khẩu sầu riêng từ ngày 12 đến 17/7/2025.
Đợt kiểm tra thực địa này của GACC là cơ hội để Việt Nam chứng minh năng lực kiểm soát chất lượng chuỗi sầu riêng xuất khẩu. Đồng thời, khẳng định cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của phía Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Cùng với hỗ trợ khâu sản xuất, khơi thông thị trường, Bộ cũng hỗ trợ các yếu tố về kỹ thuật cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, theo quy định, khi doanh nghiệp đăng ký hồ sơ trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc phải khai báo địa chỉ doanh nghiệp.
Từ ngày 1/7/2025, Việt Nam áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm tỉnh và xã, với 34 tỉnh, thành và 3.321 xã trên toàn quốc. Như vậy, có sự thay đổi địa chỉ doanh nghiệp so với hồ sơ đăng ký trước ngày 1/7/2025.
Căn cứ Điều 19, Lệnh 248 của GACC: "Trong thời hạn hiệu lực của việc đăng ký, nếu thông tin đăng ký của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thay đổi thì nộp hồ sơ thay đổi đến Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan) thông qua kênh đăng ký".
Ngày 19/6/2025, tại Phiên họp Ủy ban SPS-WTO lần thứ 92 tại Thụy Sỹ, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với Phái Đoàn thường trực của Việt Nam tại Genève (Thụy Sỹ) tổ chức cuộc họp song phương với đại diện Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Phái Đoàn thường trực của Trung Quốc tại Genève, Thụy Sỹ để thông báo về việc này. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp, hỗ trợ và có giải pháp để không làm gián đoạn việc xuất khẩu nông sản thực phẩm từ Việt Nam sang Trung Quốc theo Quy định 248…
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm theo Lệnh 248, trong trường hợp hàng đến cửa khẩu bị vướng mắc về quy định đăng ký tên, địa chỉ doanh nghiệp… liên hệ trực tiếp với Văn phòng SPS Việt Nam để được hỗ trợ.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng chặt chẽ và thực tiễn hơn. Đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi từ các ban, ngành và địa phương. Một quy trình kiểm soát chất lượng tại cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu cũng đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.
Nguyễn Hạnh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/khoi-phuc-xuat-khau-rau-qua-sang-trung-quoc-da-dang-cac-giai-phap-ho-tro-409578.html