Sầu riêng nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Campuchia tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Phạm Ngôn.
Vào ngày 7/6, Campuchia và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về việc xuất khẩu 20.000 tấn xoài sấy khô giai đoạn 2025-2027 và 15.000 tấn sầu riêng giai đoạn 2025-2026, theo Khmertimeskh.
Theo thỏa thuận trên, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3.000 tấn xoài sấy khô Campuchia trong năm 2025.
Bên cạnh lễ ký kết, ông Lim Lork Piseth, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, còn chủ trì một sự kiện xúc tiến nhằm giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của nước này và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiềm năng sang thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đa dạng hóa thị trường
Không chỉ xoài, Campuchia còn đánh mạnh vào sản phẩm chủ lực là sầu riêng. Cuối tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép cho sầu riêng tươi từ Campuchia được vận chuyển vào nước này. Như vậy, Campuchia chính thức bước vào “sân chơi” sầu riêng trị giá gần 7 tỷ USD tại thị trường tỷ dân.
Dù chưa có thương hiệu nổi bật, các chuyên gia nhận định sầu riêng Campuchia lại sở hữu những lợi thế riêng như chi phí sản xuất thấp cũng như sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, kỹ thuật trồng sầu riêng tại Campuchia đang ngày càng cải thiện.
Bên cạnh Campuchia, Thái Lan - một trong những quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới - cũng thực hiện nhiều biện pháp để có thể giữ vững “ngôi vương” tại thị trường Trung Quốc.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc siết chặt kiểm tra 100% lô sầu riêng với tất cả các nước nhập khẩu về dư lượng Cadimi và chất vàng O. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết nước này đã sẵn sàng cung ứng sầu riêng cho thị trường Trung Quốc khi mùa vụ vào cao điểm.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sầu riêng Thái Lan, khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đồng ý mở cửa các trạm kiểm soát hải quan 24/7; đồng thời tăng số lượng phòng thí nghiệm ở phía biên giới Trung Quốc.
Động thái này giúp Thái Lan đẩy nhanh quá trình kiểm tra về khả năng nhiễm chất vàng O và xuất khẩu sầu riêng trong giai đoạn cao điểm thu hoạch, theo Bộ trưởng Nông nghiệp Narumon Pinyosinwat.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết việc Trung Quốc đa dạng hóa thị trường nhập khẩu trái cây là điều bình thường.
Như vậy, Trung Quốc đã giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường lớn như Việt Nam hay Thái Lan. Thay vào đó, nước này đang tăng nhập khẩu trái cây từ nhiều quốc gia khác để làm phong phú thêm các lựa chọn về mặt giá cả cũng như chất lượng sản phẩm.
Lợi thế đặc biệt của Việt Nam
Việc trái cây Campuchia và Thái Lan liên tục gia tăng sự hiện diện ở thị trường Trung Quốc khiến ngành hoa quả Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt ở hai nhóm sản phẩm chủ chốt là xoài và sầu riêng.
Theo Produce Report, trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc đã giảm mạnh. Số liệu chính thức của Hải quan Trung Quốc cho thấy từ tháng 1 đến tháng 5, lượng sầu riêng tươi nhập khẩu đã giảm mạnh từ 582.300 tấn (năm 2024) xuống còn 390.900 tấn, tương ứng mức giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Sầu riêng nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung có nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Giám.
Trong cùng giai đoạn, giá trị nhập khẩu loại trái cây này cũng giảm 33%, từ 2,86 tỷ USD xuống còn 1,93 tỷ USD. Trong số các quốc gia xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc, Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng cả nước mới đạt 387 triệu USD, giảm gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng mặt hàng này trong nhóm rau quả xuất khẩu cũng rớt từ 35% xuống còn 17%.
Riêng trong tháng 5, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục giảm, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp đi xuống. Diễn biến này kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ Trung Quốc (chiếm 72% lượng sầu riêng xuất khẩu) đã giảm mạnh nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam.Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ thu về 278 triệu USD từ thị trường này, giảm 67% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiện tại, Thái Lan vẫn là nhà cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất của Trung Quốc, tuy nhiên sản lượng và giá trị xuất khẩu của nước này cũng giảm lần lượt 22% và 24%.
Trong khi đó, xuất khẩu xoài tươi của Việt Nam quý I đạt 88,5 triệu USD. Các sản phẩm xoài chế biến cũng thu về 29,3 triệu USD.
Việt Nam chiếm tới 97% tổng kim ngạch xoài nhập khẩu của Trung Quốc, tương đương gần 29 triệu USD, vượt xa các đối thủ như Thái Lan, Peru, Australia, Philippines và cả Campuchia.
Giá xoài Việt hiện dao động khoảng 700 USD/tấn - ngang Campuchia và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác (6.000-11.000 USD/tấn).
Có thể thấy, Trung Quốc là thị trường tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển cho các nước sở hữu các loại trái cây nhiệt đới.
Hiện, thị trường Trung Quốc chiếm trên 50% thị phần trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
“Các nước ở xa còn tìm tới Trung Quốc để bán hàng, trong khi Việt Nam ở gần nên không thể bỏ lỡ thị trường này được”, ông Nguyên nhận định.
Về ưu điểm, Việt Nam là nước nhiệt đới nên sở hữu nhiều sản phẩm trái cây có hương thơm và mùi vị đặc trưng. Đây là đặc điểm khiến người Trung Quốc yêu thích các loại trái cây như xoài và sầu riêng của Việt Nam.
Đồng thời, chi phí logistic thấp, thời gian vận chuyển ngắn cũng là yếu tố then chốt giúp trái cây Việt không sợ “lép vế” trước sản phẩm của nước khác.
Do đó, nếu muốn chiếm lĩnh và giữ vững thị trường, Việt Nam phải liên tục có những biện pháp kiểm soát chất lượng, đáp ứng hàng rào kỹ thuật để đủ sức cạnh tranh với các nước khác.
Từ góc độ Hiệp hội, ông Nguyên khuyến nghị người trồng, doanh nghiệp và nhà nước cần có sự phối hợp, đồng bộ cùng nhau thì mới có thể nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho các loại trái cây Việt Nam.
Anh Nguyễn