Đề án từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Một trong những mục tiêu của Đề án “Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030” (Đề án) là, phấn đấu 100% học sinh đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Căn cứ pháp lý
Nhìn nhận về chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học, PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, hơn 10 năm trở lại đây, giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Một số quy định liên quan đến ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng được ban hành. Việc dạy tiếng Anh, phát triển đội ngũ giáo viên ở cấp phổ thông và bậc đại học được quan tâm, có kết quả nhất định.
Phân tích những mặt thuận lợi, PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho hay, căn cứ pháp lý là khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Đây là “chuẩn” để đo năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Chúng ta đã có một bài thi chuẩn hóa về năng lực tiếng Anh dành cho Việt Nam. Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn sử dụng khung tiêu chuẩn đối với năng lực ngoại ngữ ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Đó là các căn cứ quan trọng để đo được năng lực ngoại ngữ của người học và có khung tiêu chuẩn về năng lực giáo viên tiếng Anh.
Ngoài ra, theo Chương trình GDPT 2018, tiếng Anh được đưa vào giảng dạy từ lớp 1 - 12. Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 phủ ở các cấp học. Như vậy, chương trình giáo dục tiếng Anh tại các trường phổ thông trên cả nước có sự liền mạch, liên thông, tạo đà cho việc giảng dạy tiếng Anh ở các trường, tạo tính hệ thống, nhất quán.
“Thực tế cho thấy, nhiều giáo viên được tham gia chương trình tập huấn phát triển năng lực, phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Họ được tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp người học hứng thú, yêu thích môn Tiếng Anh hơn”, PGS.TS Hà Lê Kim Anh bày tỏ.
Thay đổi nhận thức về học tiếng Anh
Ở góc độ cơ sở, TS Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) nhận thấy, khi đất nước và ngành Giáo dục hội nhập quốc tế nhanh, cũng như chuyển đổi số mạnh mẽ thì càng cần những chính sách đặc biệt hơn đối với giáo viên tiếng Anh, tin học; bởi việc tuyển dụng những giáo viên bộ môn này đang gặp khó khăn; trong đó có quận Ba Đình.
Đối với cán bộ cấp quản lý, TS Lê Đức Thuận trăn trở, nếu kém tiếng Anh thì làm sao quyết tâm đưa ngôn ngữ ấy trở thành thứ hai trong giảng dạy. Hiện, các địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng, hiệu phó. Các quy định về ngoại ngữ và tin học đều có. Nhưng nếu có chiến lược, chúng ta phải quy định cao hơn, ngặt nghèo và thực chất hơn. “Người đứng đầu phải sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động chính thống và giao tiếp hằng ngày… tôi thấy câu chuyện này đang có khoảng trống”, TS Lê Đức Thuận nhận định.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho hay, nhiều người chất vấn: Học tiếng Anh để làm gì, có bao giờ dùng đến tiếng Anh đâu? Đó chính là câu chuyện kiến tạo môi trường. Qua đó thấy rằng, toàn hệ thống chính trị cần làm ngay, phải phân loại, phân bậc cụ thể; vừa vĩ mô nhưng cũng phải chi tiết cho từng bước.
Tại Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), các chương trình đào tạo đều giảng dạy bằng tiếng Anh. Bà Võ Hồng Hạnh - Giám đốc Marketing & Truyền thông cho hay, sinh viên theo học và tiếp nhận kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh. Do vậy, trình độ tiếng Anh là một yêu cầu tất yếu. Trong khả năng cho phép, BUV nỗ lực làm việc với các trường THPT, THCS tại Việt Nam để chung tay giúp cho các trường có chương trình giảng dạy tiếng Anh bổ trợ, bên cạnh các chương trình tiếng Anh chính khóa. Qua đó, sinh viên, học sinh có thể cải thiện được trình độ ngoại ngữ.
“Chúng tôi đang làm việc với một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội về chương trình giảng dạy kỹ năng mềm và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Qua đó, giúp học sinh chuẩn bị trình độ ngoại ngữ để có thể bước vào các kỳ thi quốc tế có yêu cầu đầu vào bằng tiếng Anh”, bà Võ Hồng Hạnh trao đổi.
Cho rằng, câu chuyện về tiếng không đơn giản là một kỹ năng, mà còn liên quan đến cải tạo tư duy về ngôn ngữ hay tư duy phản biện, bà Võ Hồng Hạnh nhấn mạnh, học sinh sẽ có cơ hội học tốt nếu như có công cụ về ngôn ngữ. Bởi, tất cả những nguồn học liệu tốt nhất hiện nay đều sử dụng tiếng Anh.
“Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để học sinh, phụ huynh và xã hội nhận thức được, học tiếng Anh không đơn giản là một ngoại ngữ, mà là công cụ cần thiết để có thể tiếp cận nhiều cơ hội tốt hơn trong giao lưu văn hóa và kiến thức”, bà Võ Hồng Hạnh bày tỏ.
Một lớp học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: ITN
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống
Theo GS.TS Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khi thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo thì công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được ví “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Việt Nam đang làm tốt “chân” về công nghệ thông tin, nhưng “chân” về tiếng Anh lại yếu. “Như vậy, chúng ta sẽ khó khăn để có thể “chạy đua” với các quốc gia khác trong bối cảnh hiện nay”, GS.TS Trần Văn Nhung nhấn mạnh.
Năm 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận thấy, từ khi ban hành Chỉ thị này đã có sự vào cuộc của hệ thống chính trị và xã hội để phát triển công nghệ thông tin. Sau 1/4 thế kỷ, có thể nhận thấy những bước tiến ngoạn mục về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam.
“Nếu có một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhưng dành cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì “chân” còn lại sẽ có thể “khỏe dần”.
Cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh tại Việt Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục”, GS.TS Trần Văn Nhung bày tỏ, đồng thời đề xuất “công thức” con người cần có trong thời 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) là: Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu và yêu nước + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (và ngoại ngữ) + IT/ICT.
Mới đây, Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.
Phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực đội ngũ và nhận thức về hội nhập quốc tế.
Cùng đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về chương trình và học liệu, phương pháp giảng dạy; nghiên cứu phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế nhằm kiến tạo môi trường làm việc quốc tế trong các cơ sở giáo dục. Tăng cường mô hình kết nghĩa giữa các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam và nước ngoài.
Để bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Đề án thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế.
Đồng thời, thực hiện tham chiếu khung trình độ quốc gia Việt Nam với khung trình độ quốc gia các nước, khu vực; đẩy mạnh việc ký kết công nhận văn bằng và quá trình đào tạo với nước ngoài; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học có chất lượng cao của nước ngoài ký kết công nhận tín chỉ và quá trình đào tạo.
Đề án thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ. Cùng với đó, rà soát và hoàn thiện tiêu chuẩn giáo viên và đào tạo giáo viên, chương trình, giáo trình đào tạo, kiểm định chất lượng để phù hợp với yêu cầu của khu vực và quốc tế...
Minh Phong