Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế
Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Quang cảnh họp Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lai Châu, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận
Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với những thay đổi trong cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tạo khung khổ pháp lý kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế đã được xác định là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực để đất nước phát triển đột phá, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, bảo đảm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu
Theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), thực tế cho thấy, thể chế pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Nhiều cơ chế chưa rõ ràng; còn chậm trễ trong xây dựng chính sách, khiến nền kinh tế và xã hội chưa phát triển như kỳ vọng. Việc sửa đổi Luật lần này vừa giúp khơi thông những “điểm nghẽn” vừa tạo điều kiện để nước ta tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, đẩy nhanh tiến độ hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu
Do đó, việc sửa đổi Luật lần này là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, dự thảo Luật có 2 thay đổi lớn, đó là tạo sự linh hoạt trong quá trình soạn thảo, rút ngắn thời gian để có thể đẩy nhanh tiến độ ra quyết sách. Đồng thời, chuyển vai nhiều về cho Chính phủ, Quốc hội sẽ chỉ thông qua hoặc không thông qua luật.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu
Tuy nhiên, một số ĐBQH đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm tính ổn định khi xây dựng và ban hành luật như: bảo đảm tính ổn định, tránh sửa đổi thường xuyên, trừ khi có sự thay đổi lớn về chính sách hoặc thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp bách để tránh việc vừa ban hành xong lại phải sửa đổi.
Xác định rõ “vấn đề cần thiết” trong ban nghị định, nghị quyết của Chính phủ
Về nghị định, nghị quyết của Chính phủ (Điều 14), dự thảo Luật quy định Chính phủ ban hành nghị định để quy định chi tiết điều, khoản, điểm và các nội dung khác được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước…
Chính phủ ban hành nghị quyết để quy định giải quyết các vấn đề cấp bách, quan trọng phát sinh từ thực tiễn và để áp dụng trong một thời gian nhất định, phạm vi cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ; tạm ngưng, điều chỉnh hiệu lực hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần nghị định của Chính phủ đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…
Các đại biểu tham dự họp Tổ 15, sáng 12.2
Cơ bản tán thành với quy định này, một số ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng nội dung ban hành nghị quyết của Chính phủ tại khoản 2 Điều 14 để bảo đảm không trùng lặp với nội dung ban hành nghị định. Đồng thời, cần quy định rõ nguyên tắc, thẩm quyền quyết định thực hiện thí điểm để tránh việc lạm dụng đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết thí điểm, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, việc liệt kê như Điều 14 là vừa thừa, vừa thiếu. Nếu những vấn đề khác không được liệt kê ra thì Chính phủ có được ban hành nghị định hay không? Do đó, cần quy định theo nhóm, lĩnh vực và sau đó căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và sự cần thiết thì Chính phủ quyết định ban hành.
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu
Bên cạnh đó, Điểm c, Khoản 1, Điều 14 quy định về vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trước khi ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, đây là quy định mới nên cần xác định rõ thế nào là “vấn đề cần thiết” để dễ thực hiện trong thực tế.
ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước)
Cũng liên quan đến Điều 14, ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước) cho rằng, việc cụ thể hóa, chi tiết hóa luật do Chính phủ thực hiện, vậy cần có quy trình đánh giá tác động chính sách của Chính phủ như thế nào để các đại biểu có thêm đầy đủ các thông tin, ở nhiều khía cạnh trước khi thảo luận, biểu quyết thông qua.
Tin và ảnh: T. Trung