Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa) phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng kiểm tra một cơ sở kinh doanh khu vực biên giới. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Ông Phan Thế Anh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình cho biết, từ đầu năm tới nay, quản lý thị trường Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo đà để kinh tế thị trường phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Kiến nghị về giải pháp trong năm 2025, theo ông Phan Thế Anh cần rà soát, đánh giá để xây dựng toàn diện hơn; trong đó, chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, tập trung về kỹ năng trên môi trường thương mại điện tử và kinh tế số. Cùng đó, giải quyết điểm nghẽn về cơ chế chính sách, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường sát với thực tế, đảm bảo thống nhất toàn lực lượng.
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho hay, trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm kiểm soát tình hình thị trường bao gồm việc ban hành 7 Kế hoạch, 3 chuyên đề và 445 văn bản chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực như xăng dầu, vàng, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử, thuốc lá...
Năm 2025, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực mà tổ chức, cá nhân có hoạt động tiềm ẩn rủi ro vi phạm pháp luật. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm, đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng trong việc duy trì trật tự thị trường.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2025, lực lượng quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tiếp tục xác định thương mại điện tử là địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, không chủ quan, lơ là và tăng cường biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt tại các địa bàn nổi cộm, trọng điểm. Ngoài ra, lực lượng cũng chú trọng kiểm tra nhóm mặt hàng xăng dầu, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, thuốc lá điện tử, vàng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc kiểm tra, kiểm soát thị trường của toàn lực lượng và chúc mừng những kết quả mà Tổng cục Quản lý thị trường và toàn lực lượng đã đạt được trong 6 năm qua, nhất là năm 2024.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2025, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành công thương nói riêng dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mở cùng với tốc độ gia tăng cao của thương mại điện tử sẽ đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp cho quản lý thị trường.
Hơn nữa, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi; kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại sẽ mang lại thuận lợi cho hoạt động ngoại thương nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2025, quản lý thị trường cần tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Vì vậy, toàn lực lượng thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.
Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường (đặc biệt là trong các dịp Tết, Lễ) nhằm kịp thời phát hiện và xử lý, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm tra, xử lý ngành hàng thiết yếu, phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại về thương mại điện tử.
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực và khẩn trương thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc lại tinh thần, không có khoảng trống, không bị đứt đoạn trong triển khai, thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường vẫn phải cùng Cục Quản lý thị trường địa phương quán triệt thực hiện nhiệm vụ đến khi có quy định mới. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
Mặt khác, đẩy mạnh thông tin, truyền thông tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận về hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội với hoạt động của ngành. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo sự chuyển biến mạnh mẽ; sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển các Cục Quản lý thị trường địa phương về UBND các tỉnh, thành phố quản lý, kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở. Đây là là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể chậm trễ. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các tổ, đội.
Đặc biệt, tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu nhân dân vui Xuân đón Tết. Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao.
Bộ trưởng cũng lưu ý việc xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới. Qua đó, bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, tạo khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền, cũng như trao đổi, làm việc với các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương để có chính sách cán bộ hợp lý, tạo thuận lợi cho cán bộ công chức trong lực lượng khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, toàn lực lượng sẽ nghiêm túc triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và dù ở đơn vị nào, lực lượng quản lý thị trường cũng thể hiện bản lĩnh của người lính trung kiên, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ, trở thành lực lượng chủ công, nòng cốt trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Uyên Hương (TTXVN)