Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo ngày 20/11, có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề quy định dạy thêm. Có ý kiến đại biểu về việc "yêu cầu nhóm yếu học thêm" và có chính sách đáp ứng nhu cầu được học thêm của học sinh, phụ huynh. Làm rõ ý kiến của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết "Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh".
Thậm chí, theo khảo sát nghiên cứu về đời sống giáo viên mầm non và phổ thông khu vực Nam Bộ, thực nghiệm tại ba tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang trong đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia TP HCM, được thực hiện trong tháng 9 và 10 cho thấy, hơn 63% trong số 12.500 giáo viên muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng.
Về vấn đề này, thực tế thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh việc giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường tại nhà dân. Đáng nói, giáo viên đều dạy học sinh chính khóa bất chấp hiện quy định cấm. Việc dạy thêm tại nhà dân không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy và sai công năng nhà ở.
Chuyên gia cho rằng, kết cấu xây dựng nhà ở không phù hợp để tổ chức hoạt động có nhiều người cùng một lúc. Trong ảnh là một nhà dân ở phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) được cho thuê để làm lớp học. Ảnh: Mạnh Đoàn
Dạy thêm tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, rủi ro với học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một lãnh đạo thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, kết cấu và các phương án bố trí phương tiện, thiết bị tại nhà ở riêng lẻ không đảm bảo các yếu tố an toàn trong phòng cháy chữa cháy.
Vì thế, không nên bố trí lớp học thêm hoặc các hoạt động tập thể có nhiều người hơn so với tiêu chuẩn cho phép tại khu vực nhà dân, nhất là tại các nhà dân được xây dựng nhiều tầng.
"Những địa điểm muốn được phép tổ chức làm nơi dạy học nó phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng đối với yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Cụ thể là phải có lối thoát nạn, có hệ thống báo cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ.
Theo đó, nhà dân nếu muốn cho thuê với mục đích làm nơi dạy học thì ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chí trên còn phải báo cáo với lực lượng lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy khu vực để được thẩm định về điều kiện phòng cháy.
Trên thực tế, các nhà dân đã được xây dựng từ trước với công năng dùng để ở rất khó để cải tạo thành nơi tổ chức lớp học vì nó liên quan đến lắp đặt đường ống dẫn nước cứu hỏa, hình thành lối thoát hiểm, nhất là với dạng nhà ống hoặc nhà có một mặt tiền.
Việc người dân cố tình cho tổ chức các lớp học trong điều kiện không đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy như vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn", vị lãnh đạo Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, trước tình trạng các vụ cháy nổ xảy ra vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã cho rà soát các nhà trọ, nhà cho thuê trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các chủ nhà cho thuê, người thuê nhà về kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
Phòng học được cơi nới, cải tạo từ nhà ở rất khó để đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy. Trong ảnh là một lớp học tại nhà dân ngõ 102 Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Mạnh Đoàn
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thanh - nguyên Phó khoa Kinh tế xây dựng (nay là khoa Kinh tế và quản lý xây dựng), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định, việc cải tạo nhà ở thành các cơ sở cho thuê dạy học là không nên, đặc biệt là nhà cao tầng nhưng có diện tích sàn nhỏ và trong khu ngõ chật hẹp.
Giáo sư Nguyễn Huy Thanh cũng khuyến khích phụ huynh chọn lựa các cơ sở, trung tâm có đầy đủ điều kiện dạy học để có thể đảm bảo an toàn về chất lượng công trình, vừa đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Vị này cho biết thêm: "Thông thường trong tính toán thiết kế kết cấu của nhà ở sẽ tính đến phần tải trọng tĩnh và tải trọng động. Trong đó, tải trọng tĩnh thường được biết đến như tủ, giường, bàn, ghế... Còn tải trọng động chính là con người, máy móc làm việc...
Từ mục đích xây dựng ngôi nhà người ta mới tính thông số, kết cấu dầm, trụ, cột và móng của công trình nhà ở riêng lẻ, nhất là đối với nhà cao tầng sẽ theo tiêu chuẩn riêng. Tùy vào diện tích, độ rộng của căn nhà và số lượng người ở dự kiến, các kiến trúc sư sẽ tư vấn cho chủ nhà theo các phương án tối ưu nhất.
Ví dụ, nếu nhà xây dựng 3 tầng thì thông thường tầng 1 dành cho sinh hoạt chung, tầng 2 dùng để ở và tầng trên cùng là khu phòng thờ, sân phơi. Theo cách tính toán xây dựng phổ thông đó thì cho phần thiết kế chịu lực cho người ở trong nhà đó chỉ là phần nhỏ. Hầu như các kiến trúc sư cũng đã tính toán với số lượng vượt tối đa gấp 3 đến 4 lần số người ở hiện có.
Chẳng hạn, một ngôi nhà có diện tích sàn vào khoảng 60 đến 80m2 và có 4 người sinh sống thì có thể ở thoải mái trong nhà có thiết kế 3 tầng với 3 phòng ngủ, nhà này có thể chịu số lượng người tối đa là khoảng 16 đến 20 người theo thiết kế.
Tuy nhiên với việc cải tạo, một phòng ngủ trong ngôi nhà này có thể trở thành một lớp học có đến 15 đến 20 học sinh, chưa kể khối lượng của bàn ghế, vật dụng lớp học. Nếu cả ba phòng ngủ đều được cải tạo thành lớp học và phủ kín học sinh thì khả năng sẽ vượt quá trọng tải thiết kế của nó. Vấn đề an toàn cho toàn bộ người trong ngôi nhà đó là điều đáng phải lo lắng
Như vậy, việc có đông người đi lại, sử dụng trong nhà đó dẫn tới phần trọng tải động tăng lên, vượt quá tiêu chuẩn thiết kế có thể gây nguy hại đến chất lượng công trình cũng như nguy hiểm người sinh sống, học tập trong ngôi nhà đó", vị này bày tỏ.
Học sinh chen chúc trong các lớp học thêm tại nhà dân. Ảnh: Mạnh Đoàn
Giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa là mâu thuẫn lợi ích
Bày tỏ quan điểm với các ý kiến đề xuất cho giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, việc này để lại nhiều hệ lụy tiêu cực.
"Thực tế quy định hiện nay không cấm dạy thêm, học thêm. Các trường hợp nào cấm trong dạy thêm, học thêm cũng đã được nêu rất rõ. Đặc biệt là việc tổ chức dạy thêm với học sinh chính khóa tại nhà riêng của giáo viên thì càng không nên khuyến khích.
Lâu nay đã có rất nhiều trường hợp giáo viên giữ lại một phần kiến thức được dạy trên lớp, số kiến thức còn lại sẽ được các giáo viên này tiếp tục dạy vào các buổi học thêm. Việc này là không công bằng với những học sinh không tham gia học thêm, bởi quyền lợi các em được hưởng ở trên trường là như nhau.
Hơn nữa, mức phí với một buổi học thêm với học sinh hiện nay tại các khu vực thành thị là tương đối cao. Nếu phải theo học thêm nhiều môn, mức độ chi phí đối với một học sinh là khá lớn. Trong một lớp học cũng sẽ có nhiều đối tượng học sinh khác nhau, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho con đi học thêm.
Nếu xảy ra trường hợp giáo viên "phân biệt đối xử" với các học sinh không tham gia các lớp học thêm được tổ chức tại nhà thì không chỉ ảnh hưởng đến việc truyền thụ kiến thức cho học sinh đó mà tâm lý của học sinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề", Phó Giáo sư Trần Hậu nhấn mạnh.
Phó Giáo sư Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, các cơ quan quản lý tại địa phương, Ban Giám hiệu các nhà trường cần có sự giám sát chặt chẽ hoạt động dạy thêm của giáo viên tại nhà riêng.
Vị này bày tỏ, việc tổ chức dạy thêm tại nhà không vừa không đảm bảo các yêu cầu về an toàn cho học sinh, mà chính nhà trường cũng không giám sát được chương trình dạy mà các giáo viên đó đang truyền thụ.
Về việc này, Phó Giáo sư Trần Hậu nhấn mạnh: "Một số bài báo hiện nay đã phản ánh tình trạng giáo viên dạy trước chương trình cho học sinh tham gia học thêm. Như vậy nếu kết hợp với việc giáo viên dạy hời hợt trên lớp, với tình trạng này, học sinh nào không tham gia học thêm thì đồng nghĩa với việc các em bị hổng kiến thức.
Bên cạnh đó, quá trình đánh giá học sinh của các giáo viên hiện nay cũng chưa có phương tiện nào có thể giám sát một cách khách quan. Từ đó có thể dẫn đến việc, học sinh tham gia học thêm tại nhà giáo viên thì sẽ được "ưu ái", điều này là không công bằng giữa các học sinh".
Nên cấm tuyệt đối việc dạy thêm của giáo viên với học sinh chính khóa bên ngoài nhà trường
Bạn đọc Phạm Phương Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ việc dạy thêm tại nhà thứ nhất khiến giáo viên lơ là trong việc dạy chính trên lớp. Thứ hai nếu cấm sẽ giúp học sinh có điều kiện và không có điều kiện được công bằng hơn. Thứ ba giúp giáo viên tập trung dạy tốt tại trường, hoàn thành nhiệm vụ chính, nâng cao chất lượng giảng dạy".
Còn bạn đọc Lê Xuân Tiến nêu: "Nếu dạy thêm thì nhà trường nên đứng ra tổ chức hoặc các Trung tâm giáo dục, chứ để tự giáo viên ai thích thì dạy thêm sẽ không ổn, sẽ có biến tướng và tiêu cực, không tránh khỏi được. Các cơ quan nên nghiên cứu kỹ được và mất!
Trong khi đó, bạn đọc Hồng Diễm bình luận: "Chúng ta đang trong quá trình cải cách giáo dục, mà trong đó giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn cho học sinh cách tiếp thu và thực hành kiến thức, vậy giờ dạy thêm, giáo viên sẽ truyền tải hướng dẫn gì sau giờ lên lớp? Liệu những kiến thức đó có được truyền tải cho các em học sinh trên lớp không? Hãy tạo ra tính công bằng trong giáo dục, đâu phải học sinh nào cũng có điều kiện để học thêm".
Một bạn đọc bày tỏ: "Nên cấm tuyệt đối việc dạy thêm của giáo viên bên ngoài nhà trường. Nghĩa là giáo viên có thể dạy thêm, nhưng trong nhà trường. Khi đó chất lượng dạy và học có thể theo quy chuẩn của cấp quản lý để đánh giá và giáo viên vẫn có thể tăng thu nhập chính đáng.
Làm thế nào để khẳng định được giáo viên không "bắt buộc" học sinh đi học. Làm sao để xác định được hàm lượng kiến thức trong việc dạy trên lớp đã đủ đảm bảo hay chưa? Làm sao để xác định được bài kiểm tra có ra trên kiến thức học thêm hay không? Làm sao xác định được thái độ của giáo viên đối với học sinh đi học thêm và không đi học thêm là khách quan".
"Chúng tôi khốn khổ vì giáo viên dạy thêm"
Một bạn đọc cho biết: "Giáo viên trường con tôi thuê các nhà trong hẻm gần trường để dạy thêm. Cuối giờ cô chở các bạn từng lượt từng lượt từ trường về lớp học thêm của mình, cứ 1 lượt 2 bạn; hoặc người nhà cô sẽ chở phụ nữa. Chương trình trong lớp cô vẫn "dạy đủ" bằng cách nói lướt nhanh, liên tục 10 - 15 phút cuối tiết. Con tôi không học thêm cô nên chấp nhận cảnh "nước đổ đầu vịt" khoảng thời gian đó. Cô có giảng bài không? Có! Giảng đủ không? Đủ! Phản ánh với nhà trường cô giảng nhanh thì lí do là vì hết giờ, các bạn khác không ý kiến gì hoặc tại bé nhà tôi tiếp thu chậm. Và cũng chả có bằng chứng để đối chất 10 phút cuối giờ đó lượng kiến thức cô truyền tải là cỡ nào...".
Một phụ huynh tại tỉnh phía Nam liên lạc đến Tòa soạn trong trạng thái vô cùng bức xúc cho biết: "Con tôi đang học lớp 5. Cháu học tốt môn tiếng Anh nhưng luôn sợ bị cô giáo tiếng Anh "đì".
Đứa con trai lớn của tôi đã từng học qua cô này. Nhưng tôi không cho con học thêm cô mà học Trung tâm VUS. Thời gian đó, trong lớp, cháu thường xuyên bị cô này chửi mắng thậm tệ, đến nỗi cháu rất căng thẳng khi tới tiết của cô này.
Năm nay con thứ 2 tôi lại học lớp 5 và học tiếng Anh cô này. Tôi phải đăng ký học thêm cho cháu vì sợ bị đì như anh cháu. Nhưng trong lớp học thêm, con tôi kể cô dạy thì ít mà chửi các cháu thì nhiều.
Chúng tôi rất mong muốn thoát khỏi việc "đì" ép học thêm của cô này. Cô này dạy thêm ở bên ngoài ngay gần cổng phụ của trường và hầu hết trong lớp học sinh đều đi học thêm lớp của cô. Cô dạy ở lớp kiểu gì mà gần cả lớp đi học thêm cô?. Làm sao chúng tôi chứng minh được cô "ép" buộc học sinh học thêm?. Nếu chúng tôi lộ diện phản ánh liệu có xử lý được cô hay con tôi thành "tội đồ"?".
Phúc Khang