Đây là cơ hội hiếm hoi để quân đội các nước xem xét năng lực của phi công, của máy bay cũng như của tên lửa không đối không trong chiến đấu thực tế, và sử dụng hiểu biết này chuẩn bị cho lực lượng không quân nước mình.
Cuộc không chiến diễn ra vào rạng sáng 7.5, theo vài thông tin ban đầu thì Ấn Độ mất ít nhất 2 chiếc Rafale. Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ nhiều khả năng Pakistan đã sử dụng máy bay J-10 do Trung Quốc sản xuất để tấn công. Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài đăng so sánh uy lực tên lửa không đối không PL-15 của Trung Quốc với tên lửa không đối không dẫn đường bằng radar Meteor sản xuất bởi tập đoàn châu Âu MBDA, hiện chưa có thông tin xác nhận chúng được sử dụng ở không chiến mới đây.
Máy bay Rafale của Ấn Độ - Ảnh: Reuters/Samuel Rajkumar
Nhà nghiên cứu quân sự Douglas Barrie (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế) nhận định: “Các nhóm tác chiến trên không ở Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu sẽ cực kỳ quan tâm đến việc thu thập thông tin thực tế về chiến thuật, kỹ thuật, quy trình, vũ khí được dùng càng nhiều càng tốt. Có thể nói vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc với vũ khí mạnh nhất của phương Tây đang đối đầu nhau. Pháp cùng Mỹ chắc chắn hy vọng Ấn Độ cung cấp thông tin”.
Còn theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng: “PL-15 là vấn đề lớn, quân đội Mỹ nhất định rất chú ý”.
Chuyên gia quân sự Byron Callan (tổ chức dự báo chính sách Capital Alpha Partners) cho hay: “Các công ty vũ khí Mỹ luôn liên tục nhận được phản hồi về sản phẩm được dùng trong cuộc chiến Ukraine. Tôi nghĩ các công ty châu Âu cung cấp vũ khí cho Ấn Độ cũng nhận phản hồi tương tự. Phía Pakistan và Trung Quốc có thể cũng như vậy. Trung Quốc sẽ rất vui nếu nghe PL-15 hoạt động tốt như mong đợi”.
Chưa rõ Pakistan sở hữu PL-15 phiên bản xuất khẩu hay phiên bản nội địa mà Trung Quốc trang bị cho quân đội nước mình. Nhà nghiên cứu Barrie nhận định quốc gia Nam Á này chỉ có phiên bản xuất khẩu tầm bắn kém hơn mà thôi.
Một nguồn tin ngành quốc phòng phương Tây không tin PL-15 bay xa hơn Meteor, nhưng thừa nhận có thể tên lửa của Trung Quốc mạnh mẽ hơn dự liệu.
Theo trang Defense Feed, PL-15 dài 4 mét và nặng khoảng 200kg, được trang bị động cơ nhiên liệu rắn xung kép nên đủ sức đạt vận tốc nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Tên lửa sử dụng đầu dò radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) để định vị mục tiêu, phiên bản xuất khẩu có tầm bắn khoảng 145km.
Còn MBDA giới thiệu Meteor dài 3,7 mét và nặng 190kg, tầm bắn hơn 200km.
Về máy bay mà Ấn Độ vừa triển khai thực hiện tấn công, Rafale là chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi có thể bay khoảng 1.850km, mang hơn 9 tấn vũ khí trong mỗi lần thực hiện nhiệm vụ. Tải trọng lớn giúp chúng mang được rất nhiều tên lửa lẫn bom. Chiến đấu cơ cũng sở hữu cảm biến cùng radar tiên tiến, cho phép phi công tìm và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao ngay cả vào ban đêm hoặc trong thời tiết xấu.
J-10 bên phía Pakistan cũng không thua kém khi sở hữu động cơ WS-10A, radar AESA, mang được nhiều loại tên lửa.
Cẩm Bình