Bác sĩ Phòng khám Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn chế độ dinh dưỡng và cách điều trị bệnh tiểu đường cho bệnh nhân ngoại trú - Ảnh: T.N
Mới đây, bệnh nhân L.V.L. (50 tuổi) ở huyện Gio Linh được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ông L. đến bệnh viện khám trong tình trạng mắt mờ, chân sưng mủ do biến chứng của bệnh đái tháo đường. “Tôi phát hiện bị bệnh đái tháo đường từ mấy năm nay nhưng thỉnh thoảng mới uống thuốc.
Trước đây tôi có theo dõi một thời gian, thấy việc ngừng uống thuốc bình thường nên chủ quan, không kiểm tra định kỳ, chế độ ăn uống cũng chưa tuân thủ theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Vì thế bệnh âm thầm tiến triển trong người mà không biết. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, tôi thấy người hay mệt, mắt mờ, chân sưng, nhiều khi mất cảm giác, đi lại khó khăn, đi khám mới biết là bệnh đã đến giai đoạn nặng”, ông L. cho biết.
Theo số liệu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 bệnh nhân đái tháo đường khám, điều trị ngoại trú; 25 - 30 bệnh nhân đái tháo đường điều trị nội trú tại bệnh viện. Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng hiện nay vẫn có không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng phải điều trị các bệnh về tim mạch, thận... do biến chứng từ bệnh đái tháo đường. Đây là bệnh mạn tính, tiến triển âm thầm trong cơ thể nên nhiều người không phát hiện bệnh kịp thời, tuy nhiên cũng có những người phát hiện bệnh sớm nhưng lại chủ quan trong điều trị khiến bệnh tiến triển nặng như trường hợp của ông L.
Đặc biệt, trong thời gian qua, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị từng tiếp nhận một số trường hợp người bệnh tiểu đường bịbiến chứng cấp tính do điều trịbằng thuốc nam. Trong đó có trường hợp bệnh nhân bịtiểu đường, uống thuốc nam vàcác loại lácây phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, khóthở, viêm phổi nặng do không kiểm soát tốt đường huyết hay có trường hợp rơi vào suy thận cấp tính do bỏ điều trị tây y chuyển sang uống thuốc nam dạng viên.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Tiến, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong dân gian có nhiều loại cây thuốc nam được dùng để chữa bệnh, trong đócócác loại cây cótác dụng hạđường huyết, tuy nhiên việc có ngừa được biến chứng của bệnh đái tháo đường hay không thì chưa có nghiên cứu cụ thể.
Trong cây thảo dược chứa tinh chất điều trịbệnh nhưng cũng có cảchất có hại, vì thế việc uống nguyên cây trong thời gian dài khiến gan, thận hoạt động quácông suất bình thường, lâu ngày dẫn đến suy yếu chức năng.
Vì thế, người bị bệnh đái tháo đường dùđiều trịtheo phương pháp nào cũng cần theo dõi việc đáp ứng điều trịvàtình trạng sức khỏe định kỳ. Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đều phải tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh dùng thuốc theo chỉ dẫn của người thân, bạn bè, người bán hàng trên mạng xã hội.
Điều đáng lo ngại hiện nay là trong cộng đồng có trên 50% người mắc bệnh đái tháo đường nhưng chưa được chẩn đoán. Tình trạng người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng và trẻ hóa là vấn đề báo động về sức khỏe trong cộng đồng. Ngoài yếu tố tiền sử gia đình thì cuộc sống, công việc và thói quen ăn uống, sinh hoạt của nhiều người, nhất là lớp trẻ hiện nay mất cân bằng dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo bác sĩ Tiến, đái tháo đường không chỉ là một rối loạn chuyển hóa đường huyết, mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn của hàng loạt biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Các biến chứng cấp tính (thường xảy ra nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời) gồm: hạ đường huyết do dùng quá liều insulin, bỏ bữa hoặc vận động quá mức, triệu chứng gồm run rẩy, đổ mồ hôi, hoa mắt, lú lẫn, thậm chí hôn mê; tăng đường huyết cấp tính, xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao đột ngột, có thể dẫn đến nhiễm toan ceton (DKA) hoặc tình trạng tăng áp lực thẩm thấu - hai biến chứng nặng cần cấp cứu.
Biến chứng mạn tính (nhóm biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất) gồm biến chứng trên mạch máu lớn gây ra các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ; mạch máu ngoại biên (dễ dẫn đến tắc mạch, hoại tử chi phải cắt cụt); biến chứng trên mạch máu nhỏ gây bệnh võng mạc đái tháo đường, có thể dẫn đến mù lòa, suy thận, gây tê bì, đau nhức, mất cảm giác, đặc biệt ở chân tay, làm tăng nguy cơ loét chân và nhiễm trùng.
“Để giảm nguy cơ biến chứng, người bệnh cần kiểm soát đường huyết ở mức ổn định; tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; duy trì lối sống lành mạnh gồm chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc...
Đặc biệt, cần thực hiện kiểm tra định kỳ và sàng lọc (nhất là đối với những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ) nhằm phát hiện bệnh đái tháo đường sớm, từ đó có cách ứng phó, quản lý, điều trị làm chậm sự xuất hiện và tiến triển các biến chứng của bệnh này”, bác sĩ Tiến cho biết.
Thủy Ngọc