Không đào tạo những 'công nhân nghệ thuật'

Không đào tạo những 'công nhân nghệ thuật'
7 giờ trướcBài gốc
Để khán giả "khóc - cười theo tác phẩm"
Tại hội thảo "Nhìn lại sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025)", Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Múa Việt Nam, NSND Trần Ly Ly cho rằng, trong thời kỳ toàn cầu hóa, đào tạo nghệ thuật đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Công nghệ, mạng xã hội, giao lưu quốc tế và sự dịch chuyển lao động toàn cầu đã làm thay đổi nhu cầu, phương thức tiếp cận nghệ thuật và tư duy đào tạo truyền thống. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thị trường biểu diễn quốc tế cùng yêu cầu cao về chất lượng nghệ sĩ, tính sáng tạo và năng lực hội nhập văn hóa, đòi hỏi các ngành nghệ thuật phải nhanh chóng đổi mới để thích nghi.
Theo NSND Trần Ly Ly, “trước hết, cần xác định lại mục tiêu đào tạo là xây dựng đội ngũ giảng viên và nghệ sĩ có tư duy toàn cầu, hỗ trợ phát triển cá nhân nâng cao năng lực quản lý nghệ thuật, truyền thông, sáng tạo cá nhân. Đào tạo nghệ thuật phải hướng đến đào tạo mỗi người học có tiếng nói riêng, phong cách và cá tính riêng; chứ không đào tạo những công nhân nghệ thuật tập trung vào kỹ thuật và đồng đều”.
Đào tạo nghệ thuật phải hướng đến đào tạo người học có phong cách và cá tính riêng. Nguồn: hcmcpv.org.vn
Mặt khác, đào tạo nghệ thuật cần theo hướng mở, linh hoạt và liên ngành, khuyến khích tư duy phản biện, sáng tạo và năng lực hội nhập. Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, luyện tập, ghi hình, biên đạo và tổ chức biểu diễn.
“Tác phẩm nghệ thuật giá trị nhất xét đến cùng chính là tác phẩm được nhiều người muốn xem, muốn tìm hiểu và cần tìm hiểu, càng xem càng đam mê, cuốn hút. Tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để nuôi "khán giả cộng đồng", hãy làm sao để tiết mục biểu diễn khiến khán giả sống trong tác phẩm, khóc cười theo tiết mục. Một khán giả rơi lệ vì tác phẩm quý hơn ngàn lượt view ảo hay bất kỳ giấy khen, giải thưởng nào khác", NSND Trần Ly Ly nói.
Theo TS. Hoàng Minh Của, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đổi mới giáo dục và đào tạo văn học, nghệ thuật trong bối cảnh toàn cầu hóa cần dựa trên cơ sở thực tiễn trong nước, học hỏi xu hướng tiến bộ từ quốc tế. Cụ thể, cần gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và thị trường nghệ thuật qua khảo sát thị trường lao động, từ đó cập nhật chương trình theo các kỹ năng và vị trí việc làm mới như biên kịch game, sáng tác podcast, thiết kế nội dung số, sáng tạo kỹ thuật số, đưa sinh viên đến gần hơn với thực tiễn sáng tạo ra sản phẩm...
“Để đổi mới giáo dục và đào tạo văn học, nghệ thuật theo hướng hiện đại cần có tư duy liên ngành, kết nối công nghệ, truyền thông và con người. Chỉ như vậy, mới tạo ra tác phẩm có sức lan tỏa”, TS. Hoàng Minh Của góp ý.
Chú trọng chính sách đãi ngộ
Trước thực tế đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực sáng tạo, hạn chế trong quy trình đào tạo, NSƯT Lộc Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho nghệ sĩ ở loại hình nghệ thuật mà họ đang theo đuổi, nhất là nghệ thuật truyền thống; tạo điều kiện để nghệ sĩ tham gia các chương trình giao lưu với nghệ sĩ các nước, như nghệ sĩ Kinh kịch của Trung Quốc, kịch Noh của Nhật Bản hay kịch mặt nạ của Pháp... “Việc cọ xát, học hỏi tinh hoa nghệ thuật thế giới sẽ giúp nghệ sĩ mở rộng tầm nhìn, tiếp thu những phương pháp dàn dựng, biểu diễn mới mẻ mà vẫn giữ bản sắc riêng”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần xây dựng chế độ đãi ngộ đặc thù và tạo động lực sáng tạo, đặc biệt cho các nghệ sĩ kịch hát truyền thống, phản ánh đúng tính chất lao động và sự cống hiến của họ. Chính sách này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy niềm yêu nghề, khuyến khích sự gắn bó, gìn giữ, sáng tạo và phát triển nghề. Việc bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng cũng sẽ giúp giữ chân những tài năng hiện có và thu hút người trẻ đến với nghệ thuật.
PGS.TS. Lê Thanh Bình, Học viện Ngoại giao, đề xuất, Nhà nước cần xây dựng các quỹ sáng tạo, vườn ươm tài năng và các trung tâm văn học nghệ thuật ứng dụng công nghệ cao. Các văn nghệ sĩ cần chủ động hội nhập quốc tế có chọn lọc, tăng cường xuất khẩu tác phẩm văn học nghệ thuật ra thế giới thông qua dịch thuật, triển lãm, giao lưu, hợp tác đa phương, song phương...
Để văn học nghệ thuật phát triển bền vững, có chiều sâu, bám sát thực tiễn đời sống sáng tạo, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh 5 giải pháp trụ cột. Đó là, hoàn thiện thể chế pháp luật; đổi mới cơ chế quản lý; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; tăng cường điều phối liên ngành, liên cấp. "Chỉ khi các nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ, cụ thể hóa thành chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, chúng ta mới có thể kiến tạo hệ sinh thái văn hóa sáng tạo toàn diện, thúc đẩy văn học, nghệ thuật Việt Nam trở thành một trong những động lực nền tảng trong sự nghiệp phát triển đất nước".
Hương Sen
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-dao-tao-nhung-cong-nhan-nghe-thuat-10378775.html