Trước thềm Chung kết Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF 2025) vào tối 12/7 tới, PV Người Đưa tin trao đổi với NSƯT Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương - Tổng đạo diễn DIFF 2025.
Bên cạnh sự trầm trồ vì những màn bắn pháo hoa đẹp mắt, hoành tráng, khán giả khi đến DIFF còn thích thú với chương trình nghệ thuật công phu.
PV: Anh đặt ra vai trò gì cho sân khấu tại một sự kiện trọng tâm như DIFF, nơi pháo hoa vốn là trung tâm của mọi sự chú ý?
NSƯT Quang Hào: Sân khấu không làm nền cho pháo hoa. Nó tồn tại song song, kết hợp để kể một câu chuyện trọn vẹn.
Với tôi, sân khấu là nơi dẫn cảm xúc, làm "nhạc trưởng" cảm xúc cho khán giả trước và sau khi pháo hoa bùng sáng.
Vì thế, từ âm nhạc, biên đạo, ánh sáng, lời dẫn… đều phải hòa nhịp, có điểm rơi cảm xúc rõ ràng, không được phô trương, mà phải chạm được vào người xem.
PV: Điều gì là thách thức lớn nhất khi xây dựng 4 đêm nghệ thuật với chủ đề khác nhau nhưng phải đảm bảo một tinh thần thống nhất?
NSƯT Quang Hào: Tôi và ekip xác định từ đầu rằng bốn chủ đề "Tinh hoa văn hóa", "Nghệ thuật sáng tạo", "Hành trình kết nối" và "Phát triển bền vững" không phải là những đêm riêng lẻ mà là bốn chương trong một vở diễn lớn, nơi Đà Nẵng là nhân vật chính.
Mỗi đêm là một góc nhìn: từ chiều sâu di sản đến tinh thần sáng tạo trẻ trung, từ kết nối quốc tế đến câu hỏi về phát triển và gìn giữ.
Việc khó nhất là phải giữ được mạch cảm xúc xuyên suốt và không để chương trình bị "đứt đoạn" bởi sự kiện pháo hoa, vốn có tiết tấu khác hoàn toàn sân khấu biểu diễn.
NSƯT Quang Hào chỉ đạo trong một chương trình nghệ thuật thuộc DIFF 2025.
PV: Khán giả thấy nhiều nét đổi mới táo bạo trong các chương trình do anh đạo diễn, như đưa Bài chòi lên sân khấu lớn, kết hợp dân ca với nhạc điện tử. Anh có lo ngại những lựa chọn đó bị cho là "phá cách"?
NSƯT Quang Hào: Tôi không sợ bị gọi là phá cách, tôi chỉ sợ sân khấu bị lặp lại. Nếu không dám thử nghiệm, chúng ta sẽ mãi đi trong vùng an toàn và không chạm được đến khán giả trẻ, nhóm công chúng quan trọng cho tương lai nghệ thuật biểu diễn.
Nhưng, đổi mới không phải là "làm lạ để gây sốc". Tất cả phải có căn cứ, có chiều sâu, có thông điệp rõ ràng.
Khi đưa Bài chòi vào chương trình, tôi không chỉ muốn khán giả nghe, mà muốn họ nhìn thấy cả một vùng văn hóa sống động, hiện đại hóa nhưng không đánh mất gốc rễ.
NSƯT Quang Hào cho rằng, các chương trình nghệ thuật không còn là "phần trang trí", mà trở thành không gian kể chuyện, truyền cảm hứng và gắn kết cộng đồng.
PV: Nhiều người nói rằng Đà Nẵng đang ngày càng trở thành "thủ phủ biểu diễn" của miền Trung. Là người trong cuộc, anh có chia sẻ gì?
NSƯT Quang Hào: Tôi nghĩ điều đó không sai, nhưng chưa đủ. Biểu diễn chỉ là phần ngọn. Cái gốc nằm ở việc thành phố có coi trọng văn hóa như một phần của phát triển bền vững hay không.
Những năm qua, Đà Nẵng đã cho thấy quyết tâm rất rõ trong việc đầu tư cho nghệ thuật, từ hạ tầng đến con người. Các chương trình nghệ thuật không còn là "phần trang trí", mà trở thành không gian kể chuyện, truyền cảm hứng và gắn kết cộng đồng.
Đà Nẵng đang thay đổi rất nhanh, nhưng điều đáng mừng là thay đổi bằng chính bản sắc của mình. Chúng tôi không cố trở thành "Sài Gòn thứ hai" hay "Hà Nội bên bờ biển", mà muốn xây dựng một không gian nghệ thuật của riêng Đà Nẵng, hiện đại, gần gũi, có chiều sâu và thân thiện với công chúng.
DIFF, các đêm nhạc cộng đồng, sân khấu ngoài trời ở bờ Đông sông Hàn, hay những chương trình như "Đà Nẵng – Bay cao cùng đất nước"… đều đang góp phần hình thành một bản sắc biểu diễn đô thị rất riêng.
Người lặng thầm đứng sau Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF 2025).
PV: Sau DIFF, anh và Nhà hát Trưng Vương sẽ tiếp tục theo đuổi hướng phát triển nghệ thuật như thế nào?
NSƯT Quang Hào: Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng các chương trình có tính định kỳ, làm cho văn hóa biểu diễn ở Đà Nẵng không chỉ "nở rộ" theo mùa lễ hội. Mỗi quý, mỗi tháng đều cần có những "điểm nhấn" để khán giả có lý do trở lại.
Ngoài ra, tôi rất quan tâm đến việc đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ, vì không thể có sân khấu mạnh nếu thiếu người kể chuyện mới. Mục tiêu cuối cùng không phải là một đêm diễn hoành tráng, mà là cả một hệ sinh thái nghệ thuật sống và lan tỏa trong cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn NSƯT!
Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2025 (DIFF 2025) dần đi đến chặng cuối với những dấu ấn khó quên.
Trên sân khấu hoành tráng giữa trung tâm thành phố, khán giả không chỉ được mãn nhãn với những màn trình diễn ánh sáng rực rỡ trên bầu trời, mà còn lặng người trước các chương trình nghệ thuật công phu. DIFF năm nay có 10 đội thi đến từ Việt Nam, Phần Lan, Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hàn Quốc, Ý, Canada, Trung Quốc.
20h tối 12/7, đêm chung kết sẽ diễn ra trên sông Hàn với phần trình diễn của Đội Jiangxi Yanfeng - Trung Quốc và đội Z121 Vina Pyrotech - Việt Nam, trước khi tìm ra quán quân của DIFF 2025.
Nguyễn Duy Cường