Thi công Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.
Nhận diện đầy đủ những thách thức từ quá trình chuyển đổi, tỉnh Thanh Hóa đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng và đang có những chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, không để xảy ra “khoảng trống trách nhiệm” trong quá trình chuyển tiếp.
Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 16,4km. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh nhằm kết nối hạ tầng giao thông khu công nghiệp với tuyến trục ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế liên vùng. Dự án gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với 0,66km do 92 hộ dân chưa bàn giao đất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các mốc bàn giao mặt bằng để thúc đẩy triển khai dự án, sát thời điểm thực hiện chuyển giao mô hình chính quyền 2 cấp UBND huyện Nga Sơn đã tích cực tuyên truyền Nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng nhiều nút giao quan trọng. Công tác kiểm kê, bàn giao thủ tục hồ sơ các điểm mốc còn lại được đơn vị trao lại cho các xã tiếp tục hoàn thành theo tiến độ (trong đó có cưỡng chế theo quy định), bảo đảm kịp có mặt bằng sạch khi nhà thầu tổ chức thi công.
Về thi công, hai gói thầu chính do Tập đoàn Cường Thịnh Thi và Công ty CP Tập đoàn Miền Trung đảm nhiệm hiện còn khối lượng vật liệu đắp nền rất lớn, ước tính hơn 360.000m3 đất, cát và cấp phối đá dăm. Khó khăn lớn là thiếu nguồn vật liệu tại chỗ, thủ tục cấp mỏ chậm, huy động nhân lực và thiết bị chưa đồng bộ. Trước khó khăn này, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành phối hợp tháo gỡ, đồng thời yêu cầu nhà thầu tập kết đủ vật liệu trong tháng 6 và 7/2025 để triển khai thi công, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ thi công nền, móng, thảm nhựa trước ngày 31/12.
Ngoài các dự án trọng điểm do các sở và ban quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư, trong năm 2025 nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng được phân bổ số vốn đầu tư công lớn. Tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại từng nhóm dự án cụ thể. Các tổ này có chức năng như “bộ máy phản ứng nhanh” - giải quyết tại chỗ các tình huống pháp lý, giải phóng mặt bằng, vật liệu, thiết kế kỹ thuật và tiến độ giải ngân. Từ tháng 4 đến tháng 6/2025 các tổ công tác đã tổ chức hàng chục cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương, chủ đầu tư để chỉ đạo trực tiếp và đôn đốc thi công. Đặc biệt, tại các chuyến khảo sát, quan điểm nhất quán của tỉnh trong chỉ đạo là yêu cầu các địa phương nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tới hết ngày 30/6 và chuyển giao một cách đầy đủ, bài bản, đồng bộ các dự án, tránh đứt gãy trong chuỗi vận hành công việc, đầu tư dự án.
Trước đó, Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 17/1/2025 của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025. Thanh Hóa phấn đấu đến ngày 30/9 giải ngân đạt 70%; đến ngày 30/11/2025 đạt 90% và phải hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân trước ngày 31/12/2025. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động rà soát toàn bộ danh mục dự án, phương án bố trí vốn, giải pháp kỹ thuật, phân công trách nhiệm cụ thể từng hạng mục với quan điểm nhất quán hoàn thành nhiệm vụ cao nhất, hiệu quả nhất.
Tính đến ngày 15/6/2025 toàn tỉnh đã giải ngân được 4.590 tỷ đồng kế hoạch vốn phân bổ, đạt 30,1% kế hoạch. Dù tiến độ này tương đương mức trung bình cả nước, nhưng đây vẫn là mức thấp so với kỳ vọng, nhất là khi nhiều dự án trọng điểm chưa giải ngân được quá 50% khối lượng. Nhiều huyện, sở, ngành còn tồn tại tình trạng “ngại làm”, tâm lý chờ sắp xếp bộ máy, hoặc chưa sát sao trong điều hành tiến độ.
Thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa.
Từ ngày 1/7/2025 mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã chính thức đi vào vận hành. Giai đoạn đầu có thể xuất hiện những xáo trộn trong bộ máy, đặc biệt là sự thay đổi chủ thể điều hành dự án, quản lý tài sản công, điều phối vốn đầu tư. Nhằm bảo đảm công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục thông suốt trong bối cảnh mới, ngày 19/6/2025 Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9382/UBND-THĐT yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện các dự án đầu tư công đang thực hiện. Trong đó, đặc biệt lưu ý các dự án tạm dừng, dở dang hoặc chậm tiến độ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí. Về xử lý đối với các dự án đầu tư công tạm dừng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ đầu tư và các địa phương (sau sắp xếp) tổ chức đánh giá toàn diện nhu cầu đầu tư công sau sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng phương án xử lý đối với các dự án đang tạm dừng và định hướng đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.
Tỉnh cũng yêu cầu phân loại cụ thể mức độ chậm giải ngân, nguyên nhân và khả năng khắc phục; kiên quyết thu hồi, chấm dứt và xử lý trách nhiệm chủ đầu tư đối với các dự án không còn tính khả thi. Với những dự án có thể tiếp tục, phải xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành và phân công cụ thể trách nhiệm từng đơn vị. Việc lựa chọn danh mục đầu tư mới trong giai đoạn 2026-2030 phải bảo đảm phù hợp quy hoạch, khả năng cân đối ngân sách và hiệu quả sử dụng vốn. UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện, xử lý nghiêm các biểu hiện buông lỏng hoặc hợp thức hóa sai phạm; đồng thời rà soát các đơn vị giải ngân thấp, xem xét trách nhiệm người đứng đầu, điều chuyển vốn sang dự án hiệu quả hơn.
Bài và ảnh: Tùng Lâm