Tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là cụm từ mà chúng ta thấy được nhắc đến với tần suất khá nhiều trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quy định 178-QĐ/TW được ban hành. Lần đầu tiên hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được minh định, nhận diện cụ thể. Tham nhũng trong xây dựng pháp luật có thể là hành vi cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ...
Thực tế cho thấy, dù đã có những nỗ lực trong công tác xây dựng pháp luật, song những điểm nghẽn về thể chế vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vẫn tồn tại những quy định pháp luật thiếu thống nhất, thiếu cụ thể, gây nên những cách hiểu khác nhau, tạo điểm vênh trong hệ thống pháp luật. Và dù không nhiều nhưng vẫn tồn tại những quy định dễ cho cơ quan quản lý, khó cho người dân, doanh nghiệp với tư duy “không quản được thì cấm”.
Lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật được xác định là hành vi tham nhũng của người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật cố ý lồng ghép, đưa vào hoặc không đưa vào trong văn bản quy phạm pháp luật các quy định với mục đích phục vụ, đáp ứng hoặc bảo vệ lợi ích riêng của một nhóm người hoặc lợi ích cục bộ của cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp mà lợi ích đó có tính chất không chính đáng, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Nhân dân.
Nhận định về vấn đề lợi ích nhóm, làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ rõ: dấu hiệu bị tác động, "lợi ích nhóm" trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.
Không khó để nhận thấy những hệ lụy của lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Hành vi này không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội, gây xung đột lợi ích, phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật, gây phân tán nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp, đến quyền lợi của người dân. Lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật chính là lực cản vô hình đối với sự phát triển; điều này cần phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Để pháp luật không còn là nơi trú ẩn cho các hành vi “tham nhũng chính sách”, đòi hỏi phải nâng cao vai trò và gắn trách nhiệm, chế tài cụ thể với từng tổ chức, cá nhân từ khâu tham mưu xây dựng văn bản, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định 178-QĐ/TW đã nêu rất rõ việc xử lý các hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật. Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ...
Quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật đã có. Điều quan trọng là triển khai nghiêm minh, hiệu quả quy định trên thực tế. Tin rằng, nếu chúng ta xử lý “đến nơi đến chốn” trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân vi phạm, thì quy định pháp luật sẽ không còn tạo “khúc quanh” đối với phát triển.
Thành An