Việc phân công nhiệm vụ trong ban lãnh đạo, các phòng ban chuyên môn phải được rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm phủ kín các lĩnh vực quản lý, không để trống trách nhiệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả. Đây là vấn đề được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo 36 xã, phường tại khu vực Bình Dương (cũ) về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp của Thành phố Hồ Chí Minh mới, chiều 9/7.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được và đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Dương.
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư, về vai trò mới của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Được khẳng định, việc sáp nhập các địa phương vào Thành phố Hồ Chí Minh mở ra một giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu cao hơn, thách thức lớn hơn nhưng cũng là cơ hội để khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính quyền.
“Chúng ta cùng chung một mái nhà Thành phố Hồ Chí Minh, cùng một quyết tâm phấn đấu vì tầm nhìn phát triển mới. Mỗi cán bộ, công chức phải toàn tâm toàn lực thực hiện nhiệm vụ, làm hết việc chứ không chỉ làm hết giờ”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
Với tinh thần trên, ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các cấp, các ngành và lãnh đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, sau khi sáp nhập, các địa phương thuộc khu vực Bình Dương (cũ) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ tiếp nhận, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, từng bước vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo hoạt động ổn định và phục vụ tốt người dân. Về tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các sở, ngành xây dựng đề án hợp nhất các cơ quan chuyên môn, chuyển đổi cơ quan chủ quản của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa bàn cũ.
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Dương.
Toàn khu vực giảm 35 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, giải thể 129 hội và 4 quỹ cấp huyện theo quy định. UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giao chỉ tiêu tạm thời về biên chế công chức, viên chức và đội ngũ không chuyên trách. Việc quản lý nhân sự theo hợp đồng tiếp tục áp dụng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.
Trong thời gian từ ngày 1 - 4/7, Trung tâm Phục vụ hành chính công tại các xã, phường mới đã tiếp nhận gần 18.000 hồ sơ thủ tục hành chính, cho thấy hệ thống vận hành bước đầu ổn định. Trong lĩnh vực sự nghiệp công lập, cấp xã hiện đang quản lý 334 trường học và 21 đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa – kinh tế. Hiện tại, có 156 nghị quyết vẫn còn hiệu lực, trong đó 40 nghị quyết mang tính đặc thù địa phương.
Về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của khu vực Bình Dương (cũ) ước tăng 8,3%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Khu vực này đã khởi công nhiều khu công nghiệp lớn, mở rộng hạ tầng logistics với 29 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 85%. Các dự án giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4 và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được triển khai đúng tiến độ.
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Bình Dương.
Về vận hành tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương (cũ), chính quyền địa phương kiến nghị tiếp tục giao Ban quản lý tòa nhà duy trì nhiệm vụ đến hết năm 2025, sử dụng kinh phí không thường xuyên để duy trì các hợp đồng dịch vụ.
Một số nội dung khó khăn, vướng mắc đang được đề xuất giải quyết gồm sắp xếp 19 hội quần chúng cấp tỉnh; hợp nhất các quỹ tài chính ngoài ngân sách; thống nhất chế độ hợp đồng lao động giữa các tỉnh cũ; xử lý biên chế đội quản lý trật tự đô thị; sớm phê duyệt phương án bố trí cán bộ Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được và đoàn công tác đã đến khảo sát hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Phú An, phường Bình Dương và Trung tâm điều hành thông minh (VNPT IOC).
Tại đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã trao đổi với cán bộ, công chức về quy trình giải quyết hồ sơ sau sáp nhập, đồng thời thăm hỏi người dân đến làm thủ tục hành chính, ghi nhận những thuận lợi và khó khăn thực tế.
Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)