Người khuyết tật có nhu cầu rất lớn về việc tiếp cận và sử dụng các không gian công cộng. (TPG)
Quy định pháp lý cơ bản đầy đủ…
Hiện nay, Việt Nam có hơn 7 triệu người khuyết tật và họ cũng có nhu cầu được giao lưu, sinh hoạt như người khỏe mạnh, lành lặn. Hiểu rõ nhu cầu của nhóm người yếu thế này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật dễ dàng hòa nhập với xã hội hơn, có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Một trong những vấn được dư luận xã hội quan tâm là xây dựng các không gian công cộng hòa nhập, đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng.
Luật Xây dựng năm 2003 có quy định, những công trình công cộng phải bảo đảm thiết kế theo tiêu chuẩn cho người tàn tật. Luật Xây dựng năm 2014 tiếp tục quy định các hoạt động đầu tư xây dựng phải bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; thiết kế xây dựng phải tạo điều kiện cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em sử dụng công trình. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận để sử dụng.
Ngày 17/01/2002, Bộ Xây dựng có Quyết định số 01/2002/QĐ-BXD ban hành Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người tàn tật tiếp cận sử dụng (QCXDVN 01:2002). Đến ngày 29/12/2014, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, thay thế cho QCXDVN 01:2002.
Mới nhất, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2024/BXD về Xây dựng công trình đảm bảo tiếp cận sử dụng, có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 để thay thế cho QCVN 10:2014/BXD.
Quy định pháp lý về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng cơ bản đầy đủ. (Ảnh: TPG)
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng ban hành các Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXDVN 264:2002, TCXDVN 265:2002 và TCXDVN 266:2002 về các nguyên tắc cơ bản xây dựng, hướng dẫn xây dựng công trình đường, hè phố, nhà ở, nhà và công trình khác để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Như vậy, hệ thống cơ sở pháp lý về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận và sử dụng cơ bản đã đầy đủ.
…nhưng hành động chưa đủ
Theo quan điểm của TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), không gian công cộng là không gian tất cả mọi người đều có tiếp cận mà không phải trả phí. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là không gian công cộng tại Việt Nam đang bị thiếu trầm trọng và không gian công cộng hòa nhập dành cho người khuyết tật lại càng thiếu hơn nữa.
Không những thế, hầu hết người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng các công trình được thiết kế dành cho họ. Một số công trình thậm chí còn trở thành “cái bẫy” đối với những người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.
Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều phần đường dành cho người khuyết tật đã bị các hàng quán, bãi đỗ xe… lấn chiếm. Một số đoạn phần đường đâm thẳng vào cột điện hay trạm biến áp của các công trình hạ ngầm. Một số phần đường không được thi công đúng kỹ thuật, sử dụng vật liệu không phù hợp, không đúng quy cách, gây khó khăn cho người khuyết tật trong việc tiếp cận và sử dụng.
Một trong những không gian công cộng nổi tiếng nhất tại Hà Nội là vườn hoa Lý Thái Tổ. Để tiếp cận được không gian này, người khuyết tật sẽ phải vượt qua khu vực vỉa hè, nhưng hiện nay chưa có đường dẫn từ đường lớn lên vỉa hè dành cho người khuyết tật đi xe lăn.
Nhiều phần đường dành cho người khuyết tật đang bị lấn chiếm. (Ảnh: Thúy Ngà)
Nghiêm trọng hơn, một số tuyến đường bị xuống cấp, hư hại đã trở thành “cái bẫy” đối với người khuyết tật di chuyển qua đây. Dạo qua những con phố tại Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh vạch dẫn hướng cho người khuyết tật bị vỡ nát, gạch đá lổn nhổn, gập ghềnh…
Chị N.T.L, một người khuyết tật sống tại quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Có lần tôi tự đi theo làn đường dành cho người khiếm thị và không may va phải xe máy do họ để xe trên làn đường của mình. Từ lần đó, đi đâu tôi cũng không dám đi một mình nữa mà phải nhờ người dắt qua đường. Nhiều làn đường xây dựng dành riêng cho người khuyết tật, nhưng nói thật là có cũng như không vì có bao giờ chúng tôi sử dụng được đâu”.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của doanh nghiệp xã hội Nghĩ về sân chơi trong phố (Think Playgrounds) cho rằng, thiết kế dành cho người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức. Các vỉa hè, lòng đường dành cho người khuyết tật đang bị lấn chiếm. Một số không gian công cộng dành cho người khuyết tật chưa được thiết kế không hợp lý, chưa thực sự quan tâm đến khả năng tiếp cận của người khuyết tật.
Mặt khác, phương tiện công cộng cho người khuyết tật vẫn còn hạn chế nên nhóm đối tượng yếu thế này vẫn còn gặp khó khăn để di chuyển từ nhà đến các không gian công cộng. Khảo sát riêng trên địa bàn Hà Nội, hệ thống xe buýt nhanh (BRT), xe bus điện Vinbus hay hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã có thiết kế riêng để phục vụ người khuyết tật. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa cao.
Một số phương tiện giao thông công cộng đã quan tâm hỗ trợ nhu cầu của người khuyết tật.
Cùng chung quan điểm, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận đánh giá, Thành phố Hà Nội đang thiếu các không gian công cộng được thiết kế cho người khuyết tật tiếp cận, hòa nhập với cộng đồng. Các đường phố đều không tính đến làm vệt dốc, hoặc lát các tấm cảnh báo, tấm lát dẫn hướng tại các nút giao thông, lối vào công trình, gây khó khăn cho người khuyết tật trong việc đi lại. Như vậy, trong quá trình thiết kế chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có sự thiết kế đồng bộ để tạo điều kiện cho người khuyết tật.
Cần đảm bảo thiết kế đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận nhận định, mặc dù hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế công trình để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng tại nước ta đã khá đầy đủ, nhưng khi triển khai thực hiện lại nảy sinh rất nhiều vấn đề.
Trong một số trường hợp, các đơn vị thi công đã áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng điều kiện thực tế của không gia xây dựng vẫn khiến người khuyết tật khó có thể tiếp cận và sử dụng. Tại một số công viên, vườn hoa cũng không có biển báo, chỉ dẫn dành cho người khuyết tật, hay những người xung quanh còn chưa có ý thức giúp đỡ người khuyết tật, còn có tình trạng lấn chiếm không gian dành cho người khuyết tật.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng giải pháp quan trọng nhất là các công trình phải thiết kế đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành và phải có một bộ phận chuyên trách để kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng công trình nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Tại nhiều nước trên thế giới đã có những đơn vị chuyên đi kiểm tra các công trình thiết kế dành cho người khuyết tật. Nếu như các công trình này không đảm bảo để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng thì người chủ có thể bị phạt, hoặc công trình sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động. Như vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò rất quan trọng để thẩm định, kiểm tra và giám sát việc xây dựng các công trình đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Các công trình phải thiết kế đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được ban hành. (Ảnh minh họa)
Mặt khác, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cũng lưu ý về không gian công cộng dành cho người khuyết tật trong các đồ án quy hoạch một khu đô thị, một khu nhà ở… thay vì chỉ quan tâm đến một dự án cụ thể. Điều này sẽ giúp đồng bộ các thiết kế không gian công cộng cho người khuyết tật trong một phạm vi rộng lớn hơn.
Ngoài ra, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận còn đưa ra một số giải pháp thiết kế để cải thiện không gian công cộng cho người khuyết tật như thiết kế hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị; các lối lên xuống có thay đổi độ cao phải thiết kế đường dốc theo tiêu chuẩn; các lối đi bộ, đường dạo trong công viên, vườn hoa phải bằng phẳng, không có vật cản, có chiều rộng đảm bảo đủ rộng để xe lăn đi lại; có gờ chắn an toàn khi độ chênh cốt cao độ trên 300mm, có lát các tấm lát dẫn hướng, tấm lát cảnh báo cho người khiếm thị; bãi để ôtô, xe máy phải bố trí chỗ để xe dành riêng cho người khuyết tật tại các vị trí thuận tiện nhất…
Không gian công cộng có lợi ích như thế nào với người khuyết tật?
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng, một không gian công cộng được thiết kế tốt là một không gian công cộng được nhiều người sử dụng nhất và không tốn sức nhất.
“Không gian mà khó tiếp cận, có nhiều bậc thang, rào cản… sẽ làm giảm đi khả năng sử dụng. Còn khi thiết kế tốt thì bất kỳ đối tượng nào cũng có thể tiếp cận, đôi khi chỉ đơn giản là giảm bớt đi, hoặc loại bỏ các bậc thang. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận các không gian công cộng”.
Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt nhận định, việc được tiếp cận không gian công cộng hòa nhập sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho người khuyết tật. Trước hết, sức khỏe thể chất của họ sẽ được cải thiện thông qua các hoạt động tại không gian công cộng. Một số nhóm khuyết tật sẽ gặp hạn chế về vận động, nhưng ít nhất việc tăng cường vận động tại các không gian công cộng cũng sẽ giúp họ không bị béo phì.
Ngoài ra, sức khỏe tinh thần của người khuyết tật cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi họ giao lưu bình đẳng với tất cả mọi người. Cần phải biết rằng, rào cản tâm lý là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến hầu hết người khuyết tật e dè, không dám hay không muốn tiếp cận các không gian công cộng. Không những thế, xã hội Việt Nam vẫn còn tình trạng kỳ thị người khuyết tật. Vì vậy, những ánh mắt kỳ thị, hay thái độ xa lánh đối với người khuyết tật, dù vô hình nhưng lại là rào cản rất lớn để ngăn cản nhóm người yếu thế này hòa nhập với xã hội.
KTS Chu Kim Đức, Giám đốc và cũng là người đồng sáng lập Think Playgrounds cho rằng, không gian công cộng tại các công viên sẽ là nơi cải thiện tâm lý rất tốt cho mọi người, đặc biệt là trẻ khuyết tật. “Khi cùng vui chơi trong các không gian công cộng, trẻ khuyết tật và trẻ em bình thường hoàn toàn có thể giao lưu, kết nối với nhau. Điều này còn tốt hơn nhiều việc tham gia các khóa học cải thiện tâm lý”, KTS Chu Kim Đức cho biết thêm.
Việc được giao lưu, kết nối với mọi người tại các không gian công cộng sẽ mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất cho người khuyết tật. (Ảnh minh họa)
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động giao lưu cộng đồng đối với người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Minh Châu, một người khuyết tật sản sụn đang sinh hoạt tại Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội cho biết: “Trước kia, nhà tôi ở gần công viên Cầu Giấy nên thỉnh thoảng có ra chơi. Tôi nhận thấy rằng, có rất ít người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục vì định kiến người khuyết tật nên ở trong nhà để an toàn. Nhưng thực tế là người khuyết tật rất cần tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng để giao tiếp, trò chuyện. Vì vậy, một không gian được thiết kế hòa nhập cho người khuyết tật là vô cùng tuyệt vời.
Không gian công cộng hòa nhập không nhất thiết phải đầu tư quá nhiều trang thiết bị để phục vụ cho việc tập luyện vận động mà quan trọng hơn là cần tạo ra không khí giao lưu, gắn kết mọi người. Người khuyết tật hoàn toàn có thể mang các vật dụng đến đây để vui chơi, tập luyện, quan trọng hơn là họ được kết nối, được hòa nhập và những người xung quanh cũng được nâng cao nhận thức việc việc người khuyết tật cũng rất năng động...”.
Bà Lưu Thị Hiếu, một người khuyết tật bại não đang làm việc cho cơ quan Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Việc giao tiếp với người khác là quan trọng nhất đối với người bại não để chúng tôi cảm thấy mình vẫn là một phần của xã hội, không bị tách biệt một mình trong phòng riêng”.
Như vậy, các không gian công cộng sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho người khuyết tật và để hiện thực hóa điều này rất cần sự chung tay của cả cộng động nhằm giúp đỡ nhóm đối tượng yếu thế này có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dịch Phong