Không gian ảnh hưởng không đồng nghĩa với sự kiểm soát
Khác với mô hình bá quyền cổ điển, Nga không thể (và không có khả năng) kiểm soát toàn diện các nước láng giềng như trong thời kỳ Liên Xô. Tuy nhiên, ảnh hưởng vẫn hiện diện qua 4 trục chính:
(1) Hệ thống giáo dục, luật pháp, ngôn ngữ và tư duy hành chính ở nhiều nước vẫn mang dấu ấn Nga/Xô.
(2) Cộng đồng người Nga, người gốc Nga và di dân hậu Xô Viết tiếp tục tạo ra các kênh ảnh hưởng không chính thức xuyên quốc gia.
(3) Hạ tầng và phụ thuộc kinh tế-an ninh: Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và quốc phòng.
(4) Chiến lược quyền lực cứng-mềm: Từ hiện diện quân sự (như ở Armenia, Belarus, Tajikistan) đến công cụ ảnh hưởng mềm thông qua truyền thông và văn hóa.
Tuy nhiên, ảnh hưởng không đồng nghĩa với lòng tin. Trái lại, nỗi lo sợ về ý đồ của Nga lại tỉ lệ thuận với độ gần gũi về lịch sử và địa lý. Các quốc gia càng có kết nối sâu với Nga lại càng tìm cách “mở rộng lựa chọn”, thông qua hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, phương Tây hay thậm chí các tổ chức đa phương như BRICS.
Giới phân tích cho rằng, một đặc điểm đặc biệt trong trường hợp Nga là hiện tượng “kề cận siêu cường” (proximate superpower). Không giống như Mỹ, vốn tách biệt về địa lý và không có nước láng giềng mạnh, Nga chia sẻ biên giới dài với nhiều nước nhỏ, yếu, nhưng thường có tâm lý nghi kỵ. Điều này làm nảy sinh một kiểu căng thẳng chiến lược đặc thù: các nước nhỏ luôn cảm thấy bị đe dọa bởi khả năng can thiệp, trong khi Nga lại thấy bị bao vây bởi ý đồ thoát ly và hợp tác với bên ngoài.
Nỗi sợ không chỉ đến từ lịch sử mà từ thực tế: Nga đã từng sử dụng quyền lực cứng ở Gruzia (2008), Ukraine (từ năm 2022 đến nay) và ảnh hưởng đáng kể trong khủng hoảng Armenia-Azerbaijan. Vì thế, dù có thiện chí đến đâu, Moscow khó có thể thuyết phục láng giềng rằng mình là “một đối tác bình thường”.
Nga không có biên giới tự nhiên dễ phòng thủ như Mỹ hay Anh. Với biên giới lục địa mở, lại kéo dài qua nhiều vùng bất ổn, việc kiểm soát an ninh không thể thực hiện đơn thuần bằng quân sự, mà phải dựa vào ảnh hưởng chính trị-xã hội đối với không gian lân cận.
Đồng thời, cấu trúc dân tộc-xã hội bên trong nước Nga ngăn cản việc dựng hàng rào triệt để. Việc cắt đứt khỏi không gian hậu Xô Viết không chỉ là chia tay địa chính trị, mà còn gây ra nguy cơ phân mảnh nội bộ - khi mà người Nga, người Tatar, người Dagestan, Bashkir, Chechen hay cộng đồng di cư Trung Á tạo thành những tầng kết nối xuyên biên giới cả về văn hóa lẫn kinh tế. Điều này không chỉ là vấn đề an ninh, mà là vấn đề tồn tại của nhà nước Liên bang Nga.
Từ bất đối xứng đến cân bằng mềm
Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Kavkaz hay Trung Á không thể làm lu mờ vai trò truyền thống của Nga, nhưng đủ để tạo ra đòn bẩy mềm cho các quốc gia nhỏ trong đàm phán với Moscow. Đây là ví dụ điển hình của chiến lược “cân bằng mềm” (soft balancing): không đối đầu trực diện với cường quốc trung tâm, mà tìm cách làm phong phú hóa lựa chọn chiến lược thông qua việc khuyến khích sự tham gia của các bên thứ ba.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là tác nhân duy nhất. Trong thập niên qua, sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng rõ nét của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là Trung Quốc đã làm thay đổi cấu trúc quyền lực trong không gian hậu Xô Viết. Nếu như Mỹ tập trung hỗ trợ quân sự, đào tạo và hợp tác an ninh với các quốc gia như Gruzia, Ukraine, Moldova và một số nước Baltic, chủ yếu nhằm kiềm chế ảnh hưởng quân sự-chiến lược của Nga; thì EU lại đầu tư mạnh vào cải cách thể chế, hạ tầng và thương mại, đặc biệt thông qua chính sách “Đối tác phương Đông” (Eastern Partnership) - một cơ chế mềm nhưng lâu dài nhằm tích hợp dần các nước như Ukraine, Moldova và Gruzia vào không gian châu Âu, không phải về địa lý, mà về mô hình vận hành.
Trung Quốc thâm nhập theo hướng khác: chủ yếu bằng sức mạnh kinh tế và đầu tư chiến lược, nhất là tại Trung Á. Bắc Kinh tránh đối đầu trực tiếp với Nga nhưng vẫn mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, các dự án năng lượng, và vai trò ngày càng lớn của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Kết quả là một không gian hậu Xô Viết không còn là “sân sau” độc quyền của Nga, mà đã trở thành trường cạnh tranh ảnh hưởng đa cực. Các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước nhỏ và dễ tổn thương, ngày càng chủ động trong việc “đa dạng hóa” đối tác - không nhằm cắt đứt với Nga, mà để tránh phụ thuộc tuyệt đối. Điều này khiến mạng lưới quan hệ trong khu vực trở nên đa chiều và phức hợp hơn bao giờ hết: Nga không còn là trung tâm duy nhất, nhưng vẫn là trục không thể bỏ qua. Các quốc gia trong khu vực tìm cách mở rộng biên độ chiến lược mà không phá vỡ hoàn toàn quan hệ với Moscow. Những liên kết mới với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, EU hay Mỹ, có tính chất chiến thuật, linh hoạt, và thường được sử dụng như công cụ để tạo thế mặc cả trong các vòng xoay chiến lược lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, ngoại giao trở thành công cụ trung tâm, và mọi giải pháp chính sách đối ngoại đều đòi hỏi sự khéo léo, cân nhắc hệ quả liên vùng và dài hạn. Không còn tồn tại các giải pháp đơn tuyến hay đơn phương, kể cả với một cường quốc như Nga.
Rõ ràng, không gian hậu Xô Viết những năm gần đây trở nên phức tạp hơn, nơi ảnh hưởng của Nga sẽ còn kéo dài nhưng quyền kiểm soát đã thu hẹp. Mọi chính sách đối ngoại hiệu quả trong khu vực phải xuất phát từ hiểu biết sâu sắc về tâm lý bất an của các quốc gia nhỏ, về tính chất mở của không gian địa lý, và về chính giới hạn trong cấu trúc nhà nước Nga. Sự ổn định lâu dài chỉ có thể đến khi Nga chuyển đổi từ tâm thế “bảo vệ ảnh hưởng” sang tư duy “quản lý quan hệ”, nơi sức mạnh được thể hiện không phải qua khả năng ép buộc, mà qua mức độ đáng tin cậy trong vai trò đối tác khu vực.
Hùng Anh (CTV)