Tàu hỏa bọc thép Nga tái xuất ở Donbass: Vũ khí hậu cần cổ điển trở lại thời hiện đại

Tàu hỏa bọc thép Nga tái xuất ở Donbass: Vũ khí hậu cần cổ điển trở lại thời hiện đại
9 giờ trướcBài gốc
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2 khai hỏa từ tàu Yenisey. Ảnh: MW.
Lực lượng Vũ trang Nga đã triển khai các đoàn tàu hỏa bọc thép nhằm tiếp tế cho các đơn vị quân đội ở khu vực Donbass, nơi đang diễn ra các trận chiến ác liệt với quân đội Ukraine và lực lượng hỗ trợ từ phương Tây.
Một cái nhìn mới về vai trò của tàu hỏa trong hỗ trợ hậu cần đã được truyền thông nhà nước Nga tiết lộ, thông qua việc công bố hình ảnh của tàu bọc thép Yenisey, hiện đang tham gia một cuộc diễn tập "phối hợp tác chiến" dưới quyền Nhóm tác chiến Trung tâm.
Bên cạnh nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng tiền tuyến, đoàn tàu này còn được sử dụng cho các hoạt động trinh sát và hỗ trợ sửa chữa tuyến đường sắt. Những tàu như Yenisey cũng có khả năng chiến đấu phòng thủ giới hạn, được trang bị pháo phòng không ZU-23-2 cùng nhiều giá súng máy hạng nặng.
Mặc dù các vùng Donbass – hiện đang tranh chấp giữa Ukraine và Nga – vốn thuộc Ukraine trước năm 2014, hệ thống đường sắt tại đây đã được tích hợp hoàn toàn với mạng lưới của Nga từ thời Liên Xô. Điều này giúp cho các chiến dịch tiếp tế hậu cần bằng đường sắt diễn ra gần như không gặp trở ngại.
Quân đội Nga đánh giá cao việc duy trì và bảo vệ các tuyến đường sắt để đảm bảo nguồn tiếp tế cho tiền tuyến , một chiến lược tương phản rõ rệt với quân đội phương Tây, nơi hậu cần chủ yếu được thực hiện qua đường biển, đường bộ, thả hàng từ trên không hoặc bằng trực thăng.
Tầm quan trọng chiến lược của tàu hỏa hậu cần gần chiến tuyến hiện đang được các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Hàn Quốc theo dõi sát sao – bởi họ cũng có khả năng sử dụng phương án tương tự trong các điểm nóng khu vực.
Trong khi phần lớn các chiến dịch quân sự của phương Tây mang tính chất viễn chinh, diễn ra ở châu Á, châu Phi hoặc Trung Đông, thì quân đội Nga – cũng như quân đội Liên Xô trước đây – lại luôn ưu tiên chuẩn bị cho các cuộc chiến ngay trong hoặc gần lãnh thổ Nga, Liên Xô hay khối Hiệp ước Warsaw, nơi đường sắt có thể đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hậu cần.
Việc tận dụng tối đa hiệu quả của hậu cần đường sắt có tiền lệ rõ ràng trong lịch sử, đặc biệt là trong Thế chiến II, khi Liên Xô tiến hành vận chuyển quy mô lớn vật tư chiến tranh từ vùng Viễn Đông Nga tới mặt trận phía Tây nhằm đối phó với cuộc xâm lược của Đức Quốc xã năm 1941.
Gần đây hơn, đường sắt tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vũ khí từ các kho lớn trong nước tới các cơ sở tân trang hoặc trực tiếp ra tiền tuyến. Đặc biệt, các tuyến đường sắt từ Triều Tiên – nơi cung cấp vũ khí ngày càng quan trọng cho Nga – đã trở thành huyết mạch trong chuỗi cung ứng chiến sự mà Nga đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn.
Huyền Chi
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/tau-hoa-boc-thep-nga-tai-xuat-o-donbass-vu-khi-hau-can-co-dien-tro-lai-thoi-hien-dai-post187183.html