Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
6 giờ trướcBài gốc
Chiều nay, 20/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Phân định rõ phạm vi trách nhiệm hình sự giữa các chủ thể
Thảo luận tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đắk Lắk, Bắc Ninh, Hậu Giang và Lào Cai), các ĐBQH cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng
Theo đánh giá của các ĐBQH, dự thảo Luật trình Quốc hội đã thể chế hóa đầy đủ các kết luận của cơ quan có thẩm quyền, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đặc biệt là việc nâng cao hình phạt, tăng tính răn đe đối với các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp, gây bức xúc thời gian qua như: tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm...
ĐBQH Trần Quốc Tỏ (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Dẫn vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) nêu rõ, các hoạt động mua bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến, nhưng đặc điểm của loại hình thương mại này là khách hàng không có điều kiện tiếp cận hàng hóa trực tiếp để kiểm tra về chất lượng. Do đó, một số hành vi phạm tội xuất hiện ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân như: quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng. Các hành vi này hiện đang được quy định tại Điều 197 và Điều 198 của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Minh Nam, cần xem xét, cân nhắc để bổ sung thêm các hành vi tội phạm mới trong lĩnh vực này, bảo đảm đồng bộvới dự thảo Luật Quảng cáo cũng đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này. Cụ thể, theo đại biểu, dự thảo Luật Quảng cáo đang xem xét, bổ sung thêm các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó có hành vi quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội...
Đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung một số hành vi khác phát sinh trong mô hình thương mại điện tử; xem xét, nâng cao hình phạt để tăng mức răn đe, kiểm soát các hành vi vi phạm đối với nhóm đối tượng tội phạm này.
Qua thực tiễn tham gia xây dựng, trình Quốc hội về Luật Địa chất và khoáng sản, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang) cho biết, có một số nội dung vướng mắc liên quan đến Bộ luật Hình sự cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để kết hợp trong sửa đổi, bổ sung lần này, hoàn thiện các quy định cần thiết, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, việc các cơ quan chức năng tuyệt đối hóa các con số về trữ lượng, chất lượng khoáng sản được ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản để xem xét xử lý vi phạm (hành vi khai thác không đúng nội dung giấy phép tại Điều 227) với doanh nghiệp là chưa phù hợp với bản chất, đặc điểm của đối tượng quản lý.
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng
Đại biểu chỉ rõ, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản là lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành, có nhiều đặc thù khác biệt so với các ngành, lĩnh vực sản xuất khác trong xã hội khi đối tượng quản lý là khoáng sản vốn ở trong lòng đất, không thể định lượng, định hình một cách chính xác bởi bất cứ phương pháp kỹ thuật nào.
Qua các hội thảo trong quá trình xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, các tổ chức quốc tế cho rằng, pháp luật nước ta quá chặt chẽ khi áp dụng quy định xử lý hình sự đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản và phần nào đó sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Theo đó, pháp luật của nước ngoài không quy định xử lý hình sự với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chỉ trừ khi gây sự cố môi trường, an toàn lao động nghiêm trọng hoặc trốn thuế, gian lận thương mại.
Dẫn Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, trong Nghị quyết đã định hướng sửa đổi quy định pháp luật hình sự, tố tụng, dân sự theo hướng ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, kinh tế trước cho phép doanh nghiệp khắc phục hậu quả.
Trường hợp thực tiễn có thể áp dụng xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự khi đã có quy định xử lý hành chính thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự, thể hiện rõ quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét, sửa đổi Điều 227 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự theo hướng chỉ xử lý hình sự với hành vi “khai thác không đúng nội dung giấy phép” khi “gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho người”.
Các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát các quy định tại Điều 356 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) và Điều 360 (Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng) để làm rõ việc có hay không áp dụng xử lý hình sự đối với trường hợp người thi hành công vụ đã tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật, không có lỗi cố ý và không có động cơ vụ lợi.
Liên quan đến lĩnh vực hóa chất, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị xem xét, bổ sung khoản dẫn chiếu về định nghĩa chất cháy, chất nổ, chất độc, hóa chất nguy hiểm theo dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này và các văn bản chuyên ngành liên quan.
"Điều này bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh tình trạng một khái niệm được hiểu khác nhau giữa các văn bản pháp luật, từ đó ngăn ngừa việc áp dụng không đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực thi", đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Điều 297 hiện chưa phân định rõ phạm vi trách nhiệm hình sự giữa các chủ thể khác nhau, đề nghị làm rõ cụm từ "người nào vi phạm quy định về quản lý" tại khoản 1 Điều 297 có bao gồm cả những trường hợp sau hay không: Một là, tổ chức, cá nhân trực tiếp sở hữu, sử dụng hóa chất vi phạm quy định pháp luật hoặc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; hai là, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hóa chất có hành vi trái quy định pháp luật hoặc thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc quy định rõ tình tiết định khung hình phạt đối với từng loại chủ thể, đặc biệt là trong trường hợp vi phạm được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn. Điều này sẽ giúp phân hóa trách nhiệm hình sự phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và vị trí, vai trò của người phạm tội.
Một số ý kiến tại Tổ 13 cũng đề nghị bổ sung các hình phạt mới như cấm nhập cảnh, giám sát điện tử và quy định cấm vĩnh viễn việc mua bán, sản xuất đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; rà soát, làm rõ các thuật ngữ định tính như "gây hậu quả nghiêm trọng", "tài sản có giá trị lớn" để tăng tính cụ thể, dễ áp dụng trong thực tiễn.
Cần bổ sung cơ chế giám sát độc lập trong thu giữ tài sản bảo đảm
Các ĐBQH nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của chiến tranh, xung đột quốc tế và các rào cản thương mại, làm gia tăng nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Các đại biểu nhất trí việc phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động, linh hoạt cho Ngân hàng Nhà nước trong quyết định cho vay đặc biệt và các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản đảm bảo
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Các ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền thu giữ, xử lý và hoàn trả tài sản bảo đảm không chỉ góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong thực tiễn xử lý nợ, mà còn là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, đảm bảo quyền sở hữu và quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các bộ luật liên quan.
Tuy vậy, góp ý cụ thể về nội dung trên, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, việc trao quyền cho tổ chức tín dụng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần thông qua phán quyết của tòa án, như quy định tại Điều 198a, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu – một quyền hiến định được pháp luật bảo vệ tuyệt đối.
Trong bối cảnh thực tế ở nước ta, nhiều tài sản bảo đảm không đơn thuần là vật thế chấp, mà còn gắn liền với đời sống dân sinh như nhà ở có người cư trú lâu dài, tài sản thừa kế đang tranh chấp, hay phương tiện mưu sinh duy nhất của hộ gia đình.
Nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc tổ chức tín dụng tiến hành thu giữ trực tiếp - dù có thông báo trước - có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn giữa bên bảo đảm và người đồng sở hữu hoặc cư trú thực tế.
"Điều này tiềm ẩn khả năng vi phạm quyền lợi của các bên liên quan vốn không có tiếng nói trong hợp đồng bảo đảm ban đầu", đại biểu Nguyễn Như So lưu ý.
ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Trong khi các cơ quan thi hành án hiện hành vẫn đang đảm nhiệm vai trò trung gian, đảm bảo tính khách quan và hòa giải trong quá trình cưỡng chế tài sản, thì việc trao toàn quyền thu giữ cho bên nhận bảo đảm – vốn cũng là bên có lợi ích trực tiếp trong giao dịch – có thể làm mất đi yếu tố công bằng, làm nghiêng cán cân giữa quyền lực tài chính và quyền dân sự.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị cân nhắc bổ sung cơ chế giám sát độc lập, hoặc bắt buộc có sự tham gia của cơ quan tư pháp, nhằm tránh lạm dụng quyền thu giữ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân - đặc biệt trong các trường hợp tài sản bảo đảm có yếu tố cư trú, sinh kế hoặc tranh chấp phát sinh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị xem xét lại tính khả thi của quy định tại khoản 5 Điều 198a giao trách nhiệm cho UBND cấp xã và cơ quan Công an cấp xã tham gia quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.
Đại biểu nêu thực tế, các cơ quan này không có chức năng, thẩm quyền cũng như không được tiếp cận thông tin pháp lý liên quan đến hợp đồng bảo đảm, khoản nợ xấu, hay quyền sở hữu của tài sản bị thu giữ.
Như vậy, trong quá trình thực thi, liệu UBND và Công an cấp xã có cần tiến hành xác minh rằng tài sản bị thu giữ thực sự là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu? Họ có đủ cơ sở để xác định chủ sở hữu, hiện trạng pháp lý hay tình trạng tranh chấp liên quan đến tài sản hay không?
"Nếu không có cơ chế hướng dẫn rõ ràng, việc yêu cầu cán bộ cấp xã “chứng kiến và ký biên bản thu giữ” có thể dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng như một hình thức “hợp pháp hóa” cho hành vi cưỡng chế từ phía tổ chức tín dụng, trong khi cơ quan cấp xã không có khả năng kiểm chứng".
Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Như So, quy định này cũng đặt ra gánh nặng không nhỏ về nguồn lực và trách nhiệm cho cấp cơ sở, vốn dĩ đang bị quá tải trong công tác quản lý hành chính địa bàn.
Khi đặt UBND và Công an xã vào vị trí trung gian giữa một bên là tổ chức tín dụng và một bên là người dân có nguy cơ mất tài sản, nhưng lại không có quyền tài phán và công cụ pháp lý tương xứng thì dễ dẫn đến xung đột, khiếu nại, thậm chí làm phát sinh trách nhiệm ngoài mong muốn cho cán bộ địa phương.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ ranh giới trách nhiệm của các cơ quan trên, giới hạn vai trò ở mức bảo đảm trật tự an toàn khu vực theo đúng chức năng quản lý hành chính, tránh trao quyền hoặc buộc phải thực hiện trách nhiệm pháp lý vượt quá phạm vi chuyên môn và thẩm quyền được giao.
Thảo luận tại tổ, một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định về gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với khoản nợ xấu của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi do thiên tai, dịch bệnh hoặc rủi ro khách quan.
Quỳnh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-10373041.html