Không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan với virus HMPV ở Trung Quốc

Không hoang mang, nhưng cũng không chủ quan với virus HMPV ở Trung Quốc
4 giờ trướcBài gốc
Phóng viên (PV): Thưa PGS.TS Đỗ Duy Cường, tại Việt Nam đã từng ghi nhận ca bệnh do virus gây viêm phổi trên người HMPV. Xin ông cho biết, virus này có nguy hiểm hay không?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Virus HMPV (Human metapneumovirus) là loại virus không phải mới, không phải virus bí hiểm, virus này các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện từ năm 2001. Tại Việt Nam đã từng gặp ca bệnh nhiễm virus HMPV, nên đây không phải là điều gì quá lo lắng. Tuy nhiên, việc chúng ta lo lắng về bệnh dịch mới, nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, tốc độ lây lan nhanh cũng là lẽ bình thường. Nhưng virus HMPV thuộc về nhóm virus gây ra các triệu chứng đường hô hấp như cúm, virus hợp bào hô hấp và mức độ nặng của bệnh chỉ như cúm mà thôi. Tuy vậy, chúng ta cũng không nên chủ quan với cảnh báo của thế giới về virus HMPV ở Trung Quốc, mà tiếp tục thận trọng theo dõi.
PGS.TS Đỗ Duy Cường.
PV: Virus HMPV có gây bệnh nặng hơn cúm thông thường hay không, đặc biệt nó gây viêm phổi thì có điều gì cần lưu ý hay không, thưa bác sĩ?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Virus HMPV ở Trung Quốc là virus gây nên hội chứng cảm cúm thông thường, vì vậy, bệnh không quá nặng với những người có tiền sử khỏe mạnh. Triệu chứng của bệnh giống với cảm lạnh như hắt hơi, ho, sổ mũi, đau họng trong vài ngày. Trong một số trường hợp hiếm gặp có thể phát triển triệu chứng nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu như trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, hầu hết trẻ em đều có khả năng nhiễm trùng virus này ít nhất một lần trước khi lên 5 tuổi. Theo ước tính, khoảng 10-12% các bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra, trong đó có khoảng 5-16% trẻ sẽ phát triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.
Mức độ nặng của bệnh chỉ như cúm thông thường, nhưng triệu chứng của bệnh cũng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nhiều khi phải nghỉ làm, kèm theo ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi… gây cảm giác khó chịu. HMPV hiện chưa có thuốc kháng virus đặc trị, cũng như chưa có vaccine tiêm phòng bệnh. Khi mắc bệnh dùng thuốc giảm triệu chứng cho đến khi cơ thể cảm thấy khỏe lên và hồi phục hoàn toàn. Người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng thông qua việc uống nhiều nước, kiểm soát tốt cơn sốt, tăng cường nâng cao thể trạng, có chế độ nghỉ ngơi tốt…
PV: Virus HMPV lây qua đường nào, thưa bác sĩ? Mùa đông xuân là thời điểm thuận lợi cho virus phát triển, vậy những bệnh nào cần chú ý trong thời gian này, thưa ông?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Giống như nhiều loại virus khác, HMPV lây lan qua các giọt bắn hô hấp khi người nhiễm ho, hắt hơi, nói chuyện… Ngoài ra, virus HMPV có khả năng tồn tại ở môi trường không khí bên ngoài trong một khoảng thời gian tương đối lâu, người bệnh có thể vô tình để lại virus sau khi tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt xung quanh. Chính vì thế, việc tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm virus rồi sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt cũng là con đường giúp virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Mùa đông xuân được nhận định là thời điểm cao điểm của HPMV và các loại virus dễ lây lan gây bệnh khác như: Cúm, sởi, ho gà, virus hợp bào hô hấp…, những bệnh có thể gặp ở trẻ em, người già khiến số lượng ca bệnh gia tăng. Các bệnh cảm cúm và bệnh thông thường xuất hiện nhưng không quá nặng. Trẻ em, người già, người có bệnh nền cần lưu ý phòng bệnh trong mùa đông xuân.
PV: Theo WHO, bệnh cúm mùa đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu, Trung Mỹ, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, cúm mùa cũng gia tăng trong khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng cúm chưa cao. Vì sao tiêm vaccine phòng cúm nhưng vẫn mắc bệnh, thưa bác sĩ?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Cúm là bệnh lưu hành khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu cúm vẫn xảy ra hàng năm, người mắc thường có triệu chứng nhẹ; người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch thường có triệu chứng nặng, dễ nhập viện và có nguy cơ tử vong. Hằng năm ở Mỹ, châu Âu vẫn có người mắc cúm và tử vong. Để ngăn ngừa mắc cúm và giảm tăng nặng khi mắc, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh.
Tuy nhiên, có nhiều người thắc mắc, tại sao đã tiêm vaccine phòng cúm mà vẫn mắc bệnh? Ở đây cần phân biệt, cúm do virus cúm gây ra và hội chứng các bệnh tương tự giống cúm. Cúm có nhiều chủng và mỗi năm có một chủng virus cúm khác nhau, nên người dân phải tiêm vaccine cúm nhắc lại hằng năm. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, người già có bệnh nền, khi mắc cúm dễ bội nhiễm vi khuẩn, chính các vi khuẩn này làm nặng lên các triệu chứng hô hấp. Vì vậy, phải tiêm cúm nhắc lại hàng năm để phòng bệnh.
PV: Thời gian qua, bệnh sởi bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, nhiều trường hợp nhập viện biến chứng nặng. Xin bác sĩ cho biết, làm gì để phòng bệnh sởi trong dịp Tết và mùa xuân tới?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Trẻ em là đối tượng rất dễ nhạy cảm, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2024, cả nước ghi nhận 6.725 ca dương tính với sởi, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với chất tiết mũi, họng của bệnh nhân; lây theo đường không khí hoặc giọt bắn. Trẻ em chưa tiêm phòng vaccine, hoặc ở người lớn khi lượng kháng thể trong máu suy giảm rất có nguy cơ mắc bệnh. Dù ở người lớn hay trẻ em, đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sởi có thể phòng ngừa an toàn bằng biện pháp tiêm chủng. Vì vậy, các bà mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine sởi đúng tuổi, đúng lịch để phòng bệnh. Người lớn chưa mắc sởi, chưa tiêm phòng cũng nên tiêm vaccine phòng bệnh.
PV: Để phòng bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi do virus HMPV nói riêng và viêm phổi nói chung trong dịp Tết và mùa xuân tới, bác sĩ có những khuyến cáo gì cho người dân?
PGS.TS Đỗ Duy Cường: Bệnh do virus HMPV chưa có vaccine nên phải áp dụng biện pháp phòng bệnh như vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, giữ cho không khí thông thoáng, chú ý vệ sinh đường thở như đeo khẩu trang, sử dụng nước xúc họng thông thường… Khi có triệu chứng bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán, điều trị. Để biết có mắc virus HMPV, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm PCR chứ không phải test nhanh.
Đối với trẻ em, bệnh nào có vaccine phòng bệnh thì cần được tiêm phòng. Trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với nhiều trẻ em, đồ chơi vật dụng cần vệ sinh sạch sẽ, mùa lạnh giữ ấm cổ, khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám. Với các bệnh do virus, cũng có thể dùng thuốc dân gian làm giảm triệu chứng. Cần nghe thông tin đúng trên mạng xã hội, nếu nhiễm virus không cần dùng kháng sinh mà vệ sinh đường thở, không để đờm ứ đọng có thể gây nên viêm phổi.
Hiện chưa có báo cáo tử vong do virus HMPV ở Trung Quốc, nên các loại vaccine phòng cúm vẫn nên tiêm nhắc lại hằng năm. Tết là dịp người dân phải đi lại nhiều, hiện chưa có khuyến cáo của WHO về hạn chế đi lại, nên người dân vẫn đi lại du xuân, về quê bình thường. Tuy nhiên, để phòng bệnh lây qua đường hô hấp trong mùa đông xuân cũng như virus HMPV, người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe nói chung và đường hô hấp nói riêng để chống lại sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh trong mùa đông xuân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Trần Hằng (thực hiện)
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/y-te/khong-hoang-mang-nhung-cung-khong-chu-quan-voi-virus-hmpv-o-trung-quoc-i757008/