Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải
6 giờ trướcBài gốc
Bệnh nhi mắc sởi gia tăng
Bác sĩ Nguyễn Thị Mới-Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới thông tin: Biên chế của Khoa là 40 giường bệnh nhưng những ngày qua số ca mắc sởi tăng nhanh, cao điểm có ngày trên 90 bệnh nhi sởi cùng nằm điều trị tại khoa, dẫn đến tình trạng quá tải. Chúng tôi phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm; có lúc bố trí 2 bệnh nhi nằm 1 giường.
Trẻ mắc sởi tăng nhanh, Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) phải kê thêm giường ngoài hành lang để bệnh nhi nằm. Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Mới, bệnh nhi đông nên công việc của các y, bác sĩ rất vất vả. Ban lãnh đạo bệnh viện đã tăng cường nhân lực y, bác sĩ cho khoa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị cho người bệnh. “Bệnh nhi và người nhà thấu hiểu và thông cảm, đồng thời có sự phối hợp để nhân viên y tế hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn”- bác sĩ Mới cho hay.
Số trẻ mắc sởi tăng nhanh một phần do vào mùa cao điểm của bệnh, bên cạnh đó, nhiều trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm nhưng chưa đầy đủ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh và diễn tiến bệnh sẽ nặng hơn so với các trẻ khác.
“Đa số trẻ mắc sởi đang điều trị tại khoa rơi vào lứa tuổi dưới 5 tuổi, khoảng 5% trẻ có diễn tiến bệnh nặng lên, có trường hợp phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị. Dự báo trong 3 tháng đầu năm 2025, số ca mắc sởi có thể tiếp tục gia tăng do gia tăng giao lưu, tiếp xúc trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”- bác sĩ Mới nhấn mạnh.
Chăm sóc con điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, chị Lot (thôn Blo, xã Adơk, huyện Đak Đoa) cho biết: Con tôi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi nên khi mắc bệnh thì bị nặng hơn trẻ khác. Đến nay, cháu đã điều trị hơn 10 ngày, hiện sức khỏe đã ổn hơn. “Vào đây, bệnh nhi rất đông nên nhân viên y tế kê thêm giường ngoài khu vực hành lang để người bệnh nằm. Chúng tôi cũng phối hợp để nhân viên y tế đỡ vất vả”- chị Lot nói.
Bệnh nhi nhiều nên các y, bác sĩ phải nỗ lực hết mình trong chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Ảnh: Như Nguyện
Anh Siu Lanh (làng Lốp, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) chia sẻ: Con trai tôi 5 tuổi, nhập viện vì sốt cao, ho. Vào viện, bác sĩ thăm khám cho biết cháu bị bệnh sởi và đưa vào phòng bệnh nặng để theo dõi, điều trị. Trước đây con tôi chưa tiêm vắc xin sởi.
Nhiều trẻ mắc sởi biến chứng nặng
Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai) cho biết: Số ca mắc sởi những ngày qua gia tăng, bệnh lây qua đường hô hấp và tốc độ lây lan nhanh; nhiều ca biến chứng nặng do sởi như: Viêm phổi nặng, viêm não, nhiễm trùng huyết nặng… phải thở máy.
“Hiện khoa tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sởi biến chứng nặng và khu vực cách ly tại khoa luôn kín giường. Qua thống kê, các ca sởi biến chứng nặng hầu hết là do có bệnh nền, suy dinh dưỡng và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh nên khi mắc bệnh dễ biến chứng nặng lên”- bác sĩ Trang thông tin.
Chăm sóc con trai 10 tháng tuổi bị viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh sởi, chị Rơ Châm Quỳnh (làng Grút, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) kể: Con tôi sinh non, thể trạng yếu nên chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Vì vậy, khi bị bệnh cháu bị biến chứng viêm phổi nặng phải thở máy và tiếp tục theo dõi đặc biệt tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai).
Một ca sởi bị biến chứng viêm phổi nặng nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Gia Lai). Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Trang, để tránh bệnh lây lan và bùng phát, các gia đình khi phát hiện trẻ có các triệu chứng lâm sàng của bệnh sởi như: Sốt cao liên tục khó hạ, phát ban dạng sởi từ phần cổ sau gáy và lan xuống toàn thân, nổi nốt hạt Koplik-các hạt trắng nhỏ, li ti mọc trong vùng miệng…cần cho trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, đồng thời cần cách ly trẻ để tránh lây bệnh cho người khác.
Hiện đang là mùa cao điểm của bệnh sởi, dự lường thời gian tới bệnh sởi sẽ tiếp tục gia tăng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Phụ huynh cần giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Đối với các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
NHƯ NGUYỆN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/gia-lai-ca-mac-soi-tang-nhanh-benh-vien-qua-tai-post308384.html