Mùa đông, đề phòng đột quỵ

Mùa đông, đề phòng đột quỵ
4 giờ trướcBài gốc
Gia tăng tỷ lệ đột quỵ khi trở lạnh
Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm.
Dấu hiệu đột quỵ phổ biến chính là yếu, tê liệt một bên tay hoặc một bên cơ thể.
Mới đây, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 42 tuổi, ở Hải Dương. Tại nhà, sau khi tắm khuya, bệnh nhân đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần, đi vào hôn mê. Sau khi được sơ cứu tuyến trước, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện giờ thứ 3 sau đột quỵ. Tại đây, mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Cũng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một bệnh nhân khác nhập viện trước bệnh nhân nêu trên trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não với khối máu khá lớn. Tình trạng này buộc các bác sĩ phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thời tiết giá rét tại miền Bắc khiến số bệnh nhân bị đột quỵ tăng, trong đó có nhiều người trẻ tuổi. Thời tiết lạnh về bản chất không phải là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, nhưng tình trạng nhiễm lạnh đột ngột là yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự gia tăng đột quỵ não, cả đột quỵ chảy máu não và đột quỵ nhồi máu não.
Bác sĩ Thái Đàm Dũng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương quân đội 108 cũng cho biết, tình trạng co mạch ngoại vi và tăng huyết áp đột ngột thoáng qua sau khi tiếp xúc với lạnh có thể gây vỡ mạch máu não, gây đột quỵ xuất huyết não. Đột quỵ do nhiệt độ môi trường giảm không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh như: khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên; yếu hoặc không nâng được một bên tay; nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói…
Phân tích rõ hơn, PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho biết, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể gây co dãn quá mức hệ thống mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và làm tăng hoạt động của tim. Đột quỵ thường xảy ra trên nền các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đái tháo đường, huyết áp cao, mỡ máu cao, bệnh lý nhịp tim, những người hút thuốc lá, những người thừa cân béo phì…
50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong số này đến khoảng 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, nhồi máu cơ tim cấp còn có tên gọi khác là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm cấp cứu (A9), Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật khá phổ biến trên thế giới. Đáng chú ý có một tỉ lệ lớn bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị trong "thời gian vàng". Trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, tuyệt đối không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc,… Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ.
Với người bị đột quỵ mùa lạnh, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật. Ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, cần đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn, không dùng bất cứ thuốc gì hay đồ uống gì. Lý do là có thể lúc đó bệnh nhân bị rối loạn nuốt, nếu cho bệnh nhân ăn, uống có thể bị sặc. Đồng thời nhanh chóng đưa bệnh nhân an toàn đến bệnh viện sớm nhất để tận dụng được "giờ vàng”.
Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). BS Chi nhấn mạnh "thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao.
PGS.TS. Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, hiện chỉ có khoảng 5% bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời.
Nguyên tắc của phục hồi chức năng sau đột quỵ là cần phải can thiệp sớm, đúng cách, kiên trì, liên tục. Bản thân người thân và người bệnh đột quỵ thường lo sợ khi tập vận động sẽ bị tái phát hoặc bị chảy máu não trở lại, có người nằm kiêng tuyệt đối trên giường 5-6 tháng như vậy sẽ mất thời gian vàng để phục hồi chức năng. Các khuyến cáo mới nhất trên thế giới cho rằng, bệnh nhân sau đột quỵ não cần phải tập phục hồi chức năng ngay khi ổn định.
Thanh Mai
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/mua-dong-de-phong-dot-quy-10298562.html