Phòng ngừa bệnh hô hấp mùa Đông Xuân: Cảnh giác với virus hmpv, cúm và sởi

Phòng ngừa bệnh hô hấp mùa Đông Xuân: Cảnh giác với virus hmpv, cúm và sởi
4 giờ trướcBài gốc
Điều này đã làm dấy lên sự lo lắng không chỉ ở Trung Quốc mà còn tại các quốc gia láng giềng như Ấn Độ và Kazakhstan. Trước tình hình đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát chặt chẽ đối với các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp như HMPV.
Theo ước tính, khoảng 10-12% các bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra, trong đó một tỷ lệ nhỏ (5-16%) có thể phát triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đang theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh và chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa phù hợp, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, virus HMPV, mặc dù không phải là virus mới (được phát hiện lần đầu vào năm 2001), nhưng lại là tác nhân gây bệnh viêm phổi và các bệnh hô hấp thường gặp, đặc biệt ở trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu.
Trước đây, Việt Nam cũng đã từng ghi nhận các ca bệnh do HMPV, nhưng nhìn chung mức độ bệnh không quá nặng đối với những người khỏe mạnh. Triệu chứng của bệnh khá giống với cảm cúm thông thường, bao gồm ho, sổ mũi, đau họng, hắt hơi, và thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
Tuy nhiên, đối với những người có bệnh lý nền, trẻ em, người già, hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu, virus này có thể gây viêm phổi và các biến chứng nghiêm trọng.
Theo ước tính, khoảng 10-12% các bệnh đường hô hấp ở trẻ em là do HMPV gây ra, trong đó một tỷ lệ nhỏ (5-16%) có thể phát triển thành nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi. Vì vậy, mặc dù không phải là mối đe dọa lớn, nhưng virus HMPV vẫn cần được theo dõi và phòng ngừa, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông xuân.
Bên cạnh nỗi lo virus HMPV theo bác sỹ Cường, cúm là một bệnh hô hấp rất phổ biến, lây lan mạnh trong mùa đông xuân. Đây là bệnh do virus cúm gây ra, với các triệu chứng như sốt cao, ho, đau họng, mệt mỏi và có thể dẫn đến các biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ em, người già, và những người có bệnh lý nền. Hằng năm, cúm mùa xảy ra ở hầu hết các quốc gia và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho rằng, vắc-xin phòng cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc vì sao vẫn mắc cúm dù đã tiêm vắc-xin. Điều này xuất phát từ sự thay đổi liên tục của các chủng virus cúm, khiến mỗi năm vắc-xin phải điều chỉnh để phòng ngừa các chủng cúm lưu hành trong năm đó.
Vì vậy, tiêm vắc-xin cúm hằng năm là rất quan trọng, đặc biệt đối với những đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.
Ngoài ra, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan qua đường hô hấp qua giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng của người bệnh. Mặc dù bệnh sởi có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, và các nhiễm trùng khác, nhưng lại có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, năm 2024, cả nước ghi nhận 6.725 ca dương tính với sởi, tăng hơn 130 lần so với năm 2023. Trẻ em chưa được tiêm vắc-xin sởi hoặc người lớn khi lượng kháng thể suy giảm rất dễ mắc bệnh.
Biến chứng do sởi có thể rất nguy hiểm, do đó, tiêm vắc-xin phòng sởi là biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất. Các bậc phụ huynh cần đảm bảo trẻ em được tiêm phòng đầy đủ theo lịch, và người lớn cũng nên tiêm phòng nếu chưa mắc sởi.
Trong bối cảnh dịch bệnh đường hô hấp gia tăng vào mùa Đông Xuân, việc phòng ngừa bệnh hô hấp do virus như HMPV, cúm hay sởi là vô cùng quan trọng.
Các biện pháp phòng bệnh bao gồm vệ sinh môi trường sống, giữ không khí thông thoáng, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt khi tiếp xúc với những người có triệu chứng cảm cúm hoặc ho.
Với virus HMPV, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa, vì vậy các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là giữ vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với người bệnh, và nếu có triệu chứng bệnh, nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, trẻ em cần được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh đầy đủ như vắc-xin phòng sởi và cúm.
Với cúm và sởi, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Tuy nhiên, dù đã tiêm vắc-xin, nếu mắc bệnh, người bệnh vẫn cần được chăm sóc đúng cách và theo dõi chặt chẽ để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Trong mùa đông xuân, việc tăng cường sức khỏe qua chế độ ăn uống đầy đủ, giữ ấm cơ thể và nghỉ ngơi hợp lý cũng là cách giúp tăng cường khả năng chống lại các virus gây bệnh.
Tết Nguyên đán là dịp mà mọi người di chuyển nhiều để sum vầy cùng gia đình, do đó nguy cơ lây lan bệnh hô hấp trong cộng đồng sẽ gia tăng. Mặc dù chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại từ WHO, nhưng người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe trong mùa đông xuân. Cần đeo khẩu trang khi đi đến những nơi đông người, giữ ấm cơ thể, và chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học.
Đặc biệt, đối với trẻ em, người già và những người có bệnh lý nền, cần đặc biệt chú ý phòng bệnh và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa lạnh.
Mặc dù hiện tại chưa có báo cáo tử vong nào liên quan đến virus HMPV, nhưng sự phòng ngừa chủ động vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt trong dịp Tết và mùa xuân tới.
Trong bối cảnh dịch bệnh và các yếu tố môi trường thay đổi, mỗi cá nhân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng để hạn chế sự lây lan của các bệnh hô hấp mùa đông xuân.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/phong-ngua-benh-ho-hap-mua-dong-xuan-canh-giac-voi-virus-hmpv-cum-va-soi-d241344.html