Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Hải Ninh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp; bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội; bà Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đồng chủ trì.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút đông đảo các chuyên gia, các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, Bộ, ban, ngành; đại diện các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự trên cả nước.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, chủ trương của chúng ta chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nhằm phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân như các cơ quan khác trong thời gian 1 tháng, đồng thời có nhiệm vụ tổng hợp các ý kiến góp ý trình Chính phủ trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ông Nguyễn Hải Ninh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội ý kiến, rất tán thành với tinh thần nội dung Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013.
Ông phân tích, quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức hệ thống chính trị, khắc phục sự trùng lặp về tổ chức, chức năng và hoạt động giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), qua đó nâng cao tính thiết chế và hiệu lực hiến định của Hiến pháp.
Đồng thời, thể hiện đúng vai trò trung tâm liên minh chính trị - xã hội của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị, phù hợp với chủ trương đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương.
Ông Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông Lý, Hiến pháp chỉ nên quy định tính nguyên tắc chung, không nên quá cụ thể chi tiết. Bởi, chi tiết sẽ do các luật định hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc không quá chi tiết để đảm bảo tính ổn định lâu dài cho Hiến pháp.
Ví dụ, như tại Điều 9 và Điều 10 không nên nêu cụ thể các tổ chức CT-XH vào Hiến pháp mà chỉ quy định Mặt trận và các tổ chức CT-XH. "Khi đó chúng ta chỉ nói thành viên của MTTQ, bởi thực tế còn nhiều tổ chức muốn vào Mặt trận, như vậy không thể sửa Hiếp pháp liên tục được", ông Lý nêu.
Đối với việc sửa đổi các quy định về đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, ông Lý cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện yêu cầu tinh gọn tổ chức, khắc phục chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của đơn vị hành chính và chính quyền địa phương, bỏ cấp trung gian (cấp huyện), tổ chức chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm nông thôn, đô thị và miền núi hải đảo.
Về nội dung đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, ông Lý cho rằng, việc sửa đổi các điều 110, 111, 114, 115 trong dự thảo là phù hợp với chủ trương tổ chức lại đơn vị hành chính (bỏ cấp trung gian là cấp huyện) rất được tán thành.
Tuy nhiên, ông Lý cũng cho rằng không nên nêu quá chi tiết về HĐND và UBND vì đã có riêng tại Chương IX về chính quyền địa phương.
Trước kia điều 110 Hiến pháp 2013 quy định: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và thị xã; dưới Thành phố trực thuộc Trung ương là quận, huyện; xã là đơn vị cơ sở.
"Hiện đã bỏ huyện, vì vậy không nên dùng từ "đơn vị hành chính dưới tỉnh và Trung ương" mà nên dùng luôn "tỉnh và đơn vị cơ sở - cấp xã". Việc dùng "dưới tỉnh" hay "dưới Thành phố trực thuộc Trung ương" không có nghĩa gì", ông Lý nói.
Một số đại biểu, chuyên gia tại hội nghị.
Nhất trí với ý kiến tại Điều 9, Điều 10 của ông Phan Trung Lý, ông Tô Văn Hòa - quyền Hiệu trưởng Trường Đại Luật Hà Nội bổ sung thêm, tại điều 9 nêu: MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Theo ông Hòa, thực tế có có 3 bộ phận cấu thành hệ thống chính trị là Đảng Cộng sản; Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Về vị trí của từng bộ phận đã được xác định rõ cả về lý luận và thực tiễn. Vì vậy, ông Hòa cho rằng chỉ cần giữ nguyên như hiện tại.
Tại hội nghị, các đại biểu đều tán thành với Nghị quyết sửa đổi, các ý kiến đóng góp ý tập trung vào điều chỉnh câu từ cho phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia để cùng với các cơ quan chức năng đóng góp ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban tổ chức gửi đến cơ quan có thẩm quyền tổng hợp trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp tiếp thu, chỉnh lý.
Đặng Ngọc Thủy