Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát

Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát
4 giờ trướcBài gốc
Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.
Đổi mới, phát huy hiệu quả giám sát
Phóng viên:Cử tri trong tỉnh đánh giá cao nỗ lực đổi mới, sâu sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thời gian gần đây. Ông có thể điểm qua một số nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tập trung tiến hành giám sát trong năm 2024?
Ông Quản Minh Cường: Trong năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành 2 cuộc giám sát giám sát chuyên đề của Quốc hội, gồm: Giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Tham gia 2 cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009-2023.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thực hiện 3 cuộc giám sát giám sát chuyên đề, đó là: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, Ban Quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và quỹ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2020-2023 và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã ban hành 2 kế hoạch tổ chức giám sát các chuyên đề dự kiến sẽ giám sát trực tiếp vào tháng 12/2024, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến ngày 30/6/2024 và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2024.
Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các cơ quan thẩm quyền địa phương thông qua việc ban hành báo cáo kết quả công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo công dân của cơ quan thẩm quyền theo định kỳ quý, 6 tháng, năm. Qua đó, tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan thẩm quyền địa phương đạt ở mức cao.
Hoạt động giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của cơ quan thẩm quyền (Trung ương, địa phương) ngày càng đi vào thực chất thông qua công tác tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri chuyển và theo dõi, đôn đốc các cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chuyển đều được các cơ quan thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cho cử tri biết theo quy định pháp luật.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khảo sát tuyến đường Hoàng Văn Bổn.
Phóng viên: Một cách khách quan, ông nhìn nhận khái quát như thế nào về nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai?
Ông Quản Minh Cường: Trong năm 2024, mặc dù khối lượng công việc lớn, yêu cầu cao, nguồn nhân lực còn hạn chế, nhưng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã triển khai đầy đủ các giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề.
Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề nóng, bức xúc về kinh tế-xã hội, giúp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thêm cơ sở để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn “đúng” và “trúng” tại các kỳ họp, phiên họp.
Trong phạm vi địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã lựa chọn nhiều nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri địa phương; giám sát thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Tích cực phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cơ quan thẩm quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ giám sát bảo đảm khách quan, toàn diện, đúng chức năng.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tùy thuộc vào nội dung giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mời thêm đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các Ban đảng Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại diện các sở, ngành thuộc lĩnh vực có liên quan tham gia các cuộc giám sát.
Để cuộc giám sát đạt hiệu quả, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã lựa chọn những địa phương, đơn vị có tính đặc thù riêng, nơi có nhiều khó khăn, vướng mắc để tổ chức giám sát trực tiếp.
Đáng chú ý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã quan tâm tổ chức giám sát lại việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.
Trong quá trình giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trước các vấn đề đặt ra tại mỗi chuyên đề giám sát. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành lấy ý kiến thành viên Đoàn giám sát bằng nhiều hình thức để kịp thời hoàn thiện kết quả giám sát, bảo đảm thời gian theo quy định.
Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thực tế, chủ động chất vấn tại các phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, phản ánh được tình hình thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, vì sự phát triển chung của đất nước, hoạt động chất vấn đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri
Phóng viên: Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã theo dõi, giám sát đến cùng việc xử lý; đồng thời, đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết thấu đáo các vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc. Để có bản lĩnh, tâm huyết như vậy trong hoạt động dân cử, thì tinh thần kiên trì, quyết liệt đeo bám vụ việc, lời hứa, cam kết…đã được lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai quán triệt đến từng đại biểu ra sao?
Ông Quản Minh Cường: Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội luôn quan tâm tạo điều kiện, phục vụ tốt cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.
Cụ thể, tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội; tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi công tác của đại biểu Quốc hội theo kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trên địa bàn. Căn cứ vào ý kiến, kiến nghị cử tri, tổ chức đại biểu Quốc hội gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong hoạt động tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã quán triệt đến từng đại biểu Quốc hội phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, phải dành thời gian tâm huyết nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị của cử tri; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức tiếp xúc cử tri được thống nhất, khoa học.
Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Phóng viên:Tại phiên họp thứ 38 tổ chức ngày 7/10 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quan trọng nhất là hậu giám sát, khi Đoàn giám sát rút ra những kiến nghị, đề xuất phải có địa chỉ và thời gian nhất định, ai làm và bao giờ thực hiện xong. Cá nhân đồng chí suy nghĩ gì trước yêu cầu này?
Ông Quản Minh Cường: Chức năng giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội, giám sát là việc Quốc hội sử dụng các phương tiện và công cụ của mình để tìm hiểu chính sách, pháp luật do Quốc hội ban hành được thực thi ra sao, các cơ quan Nhà nước thực hiện như thế nào. Trên cơ sở đó, để bảo vệ lợi ích của đất nước, của nhân dân và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân.
Như vậy, có thể khẳng định vai trò hoạt động giám sát của Quốc hội là vô cùng to lớn, làm cho Quốc hội hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Theo quy định của pháp luật, chủ thể hoạt động giám sát của Quốc hội bao gồm: Đại biểu Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quốc hội.
Hoạt động giám sát của Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một phương thức thể hiện quyền lực nhà nước cao nhất của Quốc hội và góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác giám sát ngày càng được nhà nước quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cũng như hướng dẫn thực hiện. Đặc điểm của hoạt động giám sát luôn gắn với một chủ thể nhất định, tức là phải trả lời được câu hỏi ai (người hoặc tổ chức nào) có quyền thực hiện việc theo dõi, xem xét, kiểm tra và đưa ra những đánh giá, nhận định về một việc làm nào đó đã được thực hiện đúng hay sai so với các quy định hiện hành?
Do đó, hậu giám sát cũng là bước quan trọng trong thực hiện giám sát, qua đó đánh giá được kết quả thực hiện các nội dung kiến nghị sau giám sát như thế nào, thực tế giám sát phải được tiến hành trên những căn cứ do pháp luật quy định.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì nếu như thiếu những quy định này thì chủ thể giám sát không có cơ sở để thực hiện quyền giám sát và tiêu chí để đưa ra những nhận định về hoạt động của đối tượng chịu giám sát.
Hậu giám sát để có giải pháp tốt hơn trong thực hiện và trường hợp các cơ quan chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận, kiến nghị giám sát sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết xử lý theo quy định.
Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đại biểu không những nỗ lực trên cương vị đại biểu dân cử, mà cả trên cương vị, chức trách do Đảng, do chính quyền phân công, đã linh hoạt sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội được cử tri tín nhiệm và đánh giá cao.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng- kinh doanh-chuyển giao trên địa bàn.
Phóng viên:Qua thực tế tiến hành giám sát một số lĩnh vực, hiện nay thực tiễn kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang nổi lên những vấn đề gì lớn đáng quan tâm, cần cấp bách hóa giải, mà Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội và cùng chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, thưa đồng chí?
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc giám sát theo chương trình của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trên các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, giao thông, tài chính, tư pháp, giáo dục, y tế…
Qua giám sát một số lĩnh vực liên quan đến kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tôi nhận thấy, thực tiễn hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có một vấn đề lớn đáng quan tâm, cần cấp bách giải quyết đó là: Công tác giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng và lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu chậm tiến độ; tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với mục tiêu đề ra; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm.
Trước những vấn đề khó khăn, vướng mắc trên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có những kiến nghị, đề xuất với các cơ quan thẩm quyền Trung ương và chính quyền địa phương để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về công tác giải ngân vốn đầu tư công: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, sẽ kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xử lý các vướng mắc về thẩm định giá, tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề; bố trí kịp thời các khu tái định cư cho các dự án.
Về công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành cần tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác lập Quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ công tác thẩm định các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch khu trung tâm đô thị; quan tâm ưu tiên bố trí kinh phí phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch.
Để các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh triển khai kịp tiến độ mục tiêu đề ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết tâm, nỗ lực, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án; chủ động trong việc tìm kiếm, nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu; đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy trình, thủ tục theo quy định Luật đất đai mới, hướng dẫn chuyển tiếp bảo đảm không ảnh hưởng tiến độ, đặc biệt công trình trọng điểm quốc gia.
Về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thẩm quyền trung ương sớm tháo gỡ khó khăn; đồng thời, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai lắng nghe ý kiến của người dân kiến nghị về tình trạng xuống cấp đường Hoàng Văn Bổn.
Phóng viên: Dự kiến, những lĩnh vực nào sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chọn lọc để đẩy mạnh giám sát trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nguyện vọng của cử tri Đồng Nai, thưa đồng chí?
Ông Quản Minh Cường: Trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV. Bám sát chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như kế hoạch của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch giám sát năm 2025.
Đối với hoạt động giám sát thường xuyên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tiến hành giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp của Quốc hội khóa XV của cơ quan thẩm quyền; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thẩm quyền qua tiếp dân, tiếp nhận, chuyển đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo định kỳ hằng quý, 6 tháng, năm.
Cùng với đó, tham gia các hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cuộc chất vấn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong năm 2025.
Đặc biệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ động tổ chức các cuộc giám sát xuất phát từ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, hay xuất phát từ thực tiễn tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh gồm các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa-xã hội, tư pháp…
Dự kiến trong kế hoạch giám sát, khảo sát chuyên đề năm 2025, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiến hành giám sát một số chuyên đề nhận được nhiều sự quan tâm như: về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn, vệ sinh lao động; bảo vệ môi trường.
Với chức năng giám sát tối cao, trong thời gian tới, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập trung theo dõi, tham gia giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhất là những vấn đề được cử tri quan tâm; giám sát đến cùng việc xử lý các kiến nghị, bức xúc của cử tri.
Đồng thời, đưa ra những kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết triệt để, thấu đáo, qua đó phát huy hơn nữa vai trò là người đại diện của cử tri, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo Baonhandan
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/khong-ngung-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-giam-sat-aa23cc7/