Không nhồi nhét công trình ra mặt nước hay gần bờ sông Tô Lịch

Không nhồi nhét công trình ra mặt nước hay gần bờ sông Tô Lịch
16 giờ trướcBài gốc
Thành phố Hà Nội đặt ra mục tiêu biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng. Trong điều kiện tỷ lệ cây xanh trong đô thị thấp, diện tích đất 2 bên bờ sông Tô Lịch không đồng đều giữa các khu vực dòng sông chảy qua. Vậy xây dựng thiết kế, xây dựng cảnh quan 2 bên bờ sông cần chú trọng những yếu tố gì?
PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học xây dựng Hà Nội xung quanh nội dung này.
TS. KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học xây dựng Hà Nội
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển không gian 2 bên bờ sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng?
KTS Phạm Anh Tuấn: Sông Tô Lịch từ lâu đã dành được nhiều sự quan tâm bởi vai trò trong lịch sử cũng như thực trạng ô nhiễm của dòng sông hiện nay.
Chính vì vậy việc quyết tâm cải tạo dòng sông là một quyết định hoàn toàn đúng đắn và tôi hy vọng là dòng sông sẽ được cải tạo một cách triệt để, tránh tình trạng thực hiện không đến đích như những năm vừa qua.
Nếu nói phát triển 2 bên bờ sông thì không hẳn tạo ra một không gian xanh hoàn chỉnh. Vì phần đầu, phần thượng nguồn đến đoạn sông gần trường tiểu học Đại Kim gần không còn nhiều quỹ đất, chỉ là dải cây xanh rất hẹp ven bờ sông. Quỹ đất còn lại chỉ từ trường Tiểu học Đại Kim xuôi về hạ lưu, khi nhập đến sông Nhuệ thì còn có những dải đất khá rộng để phát triển không gian công cộng.
Nhưng nó là cơ hội để tạo những dải cây xanh ven sông, dải cảnh quan ven sông, tạo ra công viên dạng tuyến, góp phần giảm thiểu sự đứt gãy của hệ sinh thái đô thị.
Sông Tô Lịch với chiều dài 13,5km chảy qua nhiều không gian có tính chất và đặc điểm khác nhau sẽ là cơ hội cho việc phát triển các không gian trải nghiệm văn hóa, cảnh quan khác nhau, phục vụ cho cộng đồng dân cư. Việc khôi phục dòng sông còn là cơ hội cải thiện tính đa dạng sinh học cho dòng sông, phát triển hệ sinh thái ven sông nếu giải pháp đề xuất tạo ra sự đa dạng sinh cảnh sống cho các loài sinh vật.
PV: Theo ông cần lưu ý gì trong quá trình thiết kế cảnh quan ở khu vực sông Tô Lịch?
KTS Phạm Anh Tuấn: Quá trình thiết kế cảnh quan khu vực sông Tô Lịch cần được khảo sát, phân tích và đánh giá chi tiết thực trạng của từng khu vực để phát huy các tiềm năng đặc thù và hạn chế các yếu tố bất lợi cho sự phát triển không gian công cộng. Trong đó, giải pháp cấp thiết đầu tiên chính là phân tách được nước bẩn, tức là có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt hàng ngày tách ra khỏi hệ thống thoát nước mặt.
Đồng thời, để dòng sông hồi sinh, cần có những giải pháp bổ sung, cấp nguồn nước sạch cho sông Tô Lịch, làm sống lại con sông này. Giải pháp này không chỉ nhìn cục bộ khu vực sông Tô Lịch mà cần phân tích và có giải pháp cho vùng rộng lớn hơn, có khả năng kết nối với sông Hồng mới đảm bảo nguồn nước và góp phần cải thiện hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học cho dòng sông Tô Lịch.
Bên cạnh đó, triệt để khai thác các quỹ đất hiện có cho phát triển cảnh quan, các mảng xanh và khả năng kết nối cảnh quan dọc sông Tô Lịch với các khu vực bên trong khu dân cư, nhất là các địa điểm văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, các không gian cây xanh, mặt nước hiện hữu, hoặc những khu vực có khả năng phát triển thương mại, dịch vụ nhằm tăng tính kết nối của dòng sông với khu vực lân cận và nâng cao đời sống của cộng đồng người dân.
Hiện nay, mặc dù có một số đoạn tuyến đã cải tạo, thành các tuyến đường cho người đi bộ, trồng cây xanh nhưng công tác duy trì, duy tu không tốt và có tính đứt gãy, khả năng kết nối của người dân ra khu vực đấy bị ngăn cách những tuyến đường quá lớn làm cho cải tạo cảnh quan ven sông khu vực này không còn nhiều ý nghĩa.
Đối với cảnh quan ven sông, việc tiếp cận với mặt nước là yếu tố hấp dẫn người dân. Vậy, trong quá trình nghiên cứu, cần tìm ra những giải pháp tiếp cận hiệu quả với mặt nước ở những địa điểm phù hợp nhằm tăng tính tương tác của con người với thiên nhiên và mặt nước (sau khi đã được cải thiện về chất lượng và lưu lượng nước sạch). Qua đó, dòng sông quay trở lại đời sống thường nhật của người dân tốt hơn.
Cùng với đó, thành phố cũng cần nghiên cứu bổ sung các phương án tiếp cận cho cộng đồng từ các khu vực lân cận, ở bên kia đường nhất là các khu vực dân cư tiếp giáp với các tuyến đường có mật độ giao thông cao như tuyến đường vành đai 2, Khương Đình, Kim Giang. Việc cải tạo cảnh quan không chỉ dừng lại ở 2 bên bờ mà phải kết nối với cả khu vực đô thị 2 bên để đảm bảo tính kết nối cảnh quan tổng thể; do đó cần nghiên cứu bổ sung các kết nối ngang liên kết với chuỗi cảnh quan ven bờ sông thì mới đem lại hiệu quả trong thiết kế cảnh quan tổng thể.
PV: Thưa ông, những khu vực nào cho phép mở rộng bờ kè 2 bên sông mở rộng mặt nước sông Tô Lịch và tạo quỹ đất phát triển công trình dịch vụ công cộng?
KTS Phạm Anh Tuấn: Quan điểm của tôi, với quỹ đất hạn chế, phần đất dạng tuyến kẹp giữa sông và đường hiện nay rất mỏng và không có khả năng mở rộng, không gian mặt nước không nhất thiết phải mở rộng, không nên đầu tư xây dựng các công trình công cộng mà nên dành không gian cho hoạt động công cộng dạng không gian mở, cải thiện chất lượng môi trường và tăng khả năng tiếp cận cho cộng đồng xã hội.
Giải pháp này sẽ phù hợp cho điều kiện nguồn cấp nước sạch vào sông Tô Lịch có nhiều hạn chế như hiện nay. Hơn nữa, giải phấp cấp nước sạch cho sông Tô Lịch không đơn giản và rất tốn kém. Chính vì vậy giải pháp cải tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch chỉ hướng đến đảm bảo lưu lượng tối thiểu phục vụ cho mục đích nâng cao chất lượng cảnh quan và hình thành không gian xanh, không gian cảnh quan dạng tuyến 2 bên bờ sông.
Với đặc điểm không gian ven sông Tô Lịch, nếu muốn phát triển các công trình dịch vụ công cộng nên nghiên cứu các quỹ đất tiềm năng ven đường đô thị, nơi mà còn quỹ đất để phát triển nhằm tăng tính kết nối cộng đồng tốt hơn và dòng sông cũng trở lại với cuộc sống con người, hơn là chúng ta nhồi nhét công trình công cộng ra mặt nước hay gần bờ sông vì quỹ đất không có. Giải pháp này sẽ góp phần tăng tính kết nối của không gian công cộng dạng tuyến ven sông với các loại hình dịch vụ ven đường chạy dọc theo sông.
Xây dựng không gian xanh, tạo điểm nhấn cảnh quan cho sông Tô Lịch sẽ giúp cải thiện mỹ quan đô thị
Hiện nay mảng xanh ở đô thị cũng đang quá ít nên chúng ta nên ưu tiên không gian xanh, những không gian tự nhiên con người có thể trải nghiệm. Khu vực cảnh quan ven sông nên tập trung phát triển không gian xanh và các tiện ích công cộng như thể dục thể thao, ghế nghỉ, giàn hoa, chòi nghỉ…
PV: Xin ông chia sẻ kinh nghiệm thành công của thế giới trong cải tạo không gian xung quanh các sông? Bài học nào cho Việt Nam?
KTS Phạm Anh Tuấn: Nhiều quốc gia trên thế giới đã khôi phục những dòng sông có bối cảnh giống như sông Tô Lịch. Bài toán sông Tô Lịch phần nào cần được học tập từ các bài học trên thế giới, có thể kể đến giải pháp cải tạo dòng sông Cheonggyecheon chảy qua Seoul, Hàn Quốc. Bài học này vừa phù hợp về văn hóa lẫn tính chất của dòng chảy. Dòng sông này cũng từng bị ô nhiễm nặng, năm 1968 người ta đã quyết định lấp thành cống và làm đường cao tốc. Năm 2003, chính quyền Seoul đã loại bỏ đường cao tốc và dùng nguồn nước nhân tạo để làm sống lại dòng sông. Dòng sông đấy trở thành tuyến cảnh quan hấp dẫn với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, thu hút sự quan tâm không chỉ cộng đồng dân cư địa phương mà cả du khách tới thăm quan.
Ngoài ra, có nhiều dòng sông được phục hồi theo cách tiệp cận sinh thái, có thể kể đến như dự án Wild Mile, Chicago, Mỹ. Đây là mô hình phục hồi dòng sông đô thị bằng việc mở rộng không gian công cộng dễ tiếp cận, cung cấp môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, đặc biệt là sự hồi sinh của các loài động vật bản địa. Dự án cũng góp phần đẩy mạnh mạnh giáo dục cộng đồng và tạo ra những không gian kết nối cộng đồng mạnh mẽ ở khu vực ven mặt nước.
Tương tự với dự án cải tạo sông Mill, thành phố Stamford, bang Connecticut, Mỹ cũng là bài học thú vị về phục hồi sinh thái cảnh quan cho dòng sông bị ô nhiễm nặng do chất thải và nước thải sinh hoạt, nó trở thành không gian công cộng cho các hoạt động văn hóa, thể thao của cộng đồng dân cư và du khách. Đồng thời, phương án cải tạo đã phục hồi sự đa dạng sinh học với các sinh vật bản địa theo hướng phát triển tự nhiên, vừa khôi phục được cảnh quan thiên nhiên vừa giảm thiểu chi phí duy trì duy tu.
Còn tại Trung Quốc, dự án cải tạo cảnh quan ven sông Tanghe, thành phố Tần Hoàng Đảo cũng là ví dụ có giá trị khi giải pháp quy hoạch bảo tồn càng nhiều hành lang ven sông càng tốt, phát huy thảm thực vật tự nhiên, đa dạng điểm thu hút và tiếp cận ra sông. Đây là cách giáo dục người dân về sự đa dạng sinh học của địa phương, khơi gợi tình yêu thiên nhiên và sự hiểu biết về đa dạng sinh học cho chính nơi sinh sống của mỗi người.
PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!
Hải Hà/VOV-Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/khong-nhoi-nhet-cong-trinh-ra-mat-nuoc-hay-gan-bo-song-to-lich-post1189526.vov