Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quan trọng là chất lượng, không vì số lượng mà bỏ qua quy trình, thủ tục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quan trọng là chất lượng, không vì số lượng mà bỏ qua quy trình, thủ tục
một giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Sáng nay, 28.9, tiếp tục Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của một số tỉnh, thành phố.
Giảm 87 đơn vị hành chính cấp xã tại 13 tỉnh, thành phố
Trình bày Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 13 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Bắc Giang thực hiện sắp xếp 4/10 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích để hình thành 4 đơn vị hành chính cấp huyện mới; 34/209 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 17 đơn vị hành chính cấp xã mới; thành lập 16 phường và 2 thị trấn trên cơ sở 18 đơn vị hành chính cấp xã hiện hữu. Sau sắp xếp, tỉnh Bắc Giang không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 17 đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Thành phố Cần Thơ thực hiện sắp xếp 4/83 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã. Đắk Lắk thực hiện sắp xếp 11/184 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 7 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 4 đơn vị hành chính cấp xã.
Đồng Nai thực hiện sắp xếp 22/170 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 11 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã. Gia Lai thực hiện sắp xếp 5/220 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3 xã mới, giảm 2 xã.
Khánh Hòa thực hiện sắp xếp 12/139 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã. Lào Cai thực hiện sắp xếp 2/152 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 1 xã.
Ninh Thuận thực hiện sắp xếp 5/65 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 2 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã. Phú Yên thực hiện sắp xếp 9/110 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 4 đơn vị hành chính cấp xã.
Quảng Ninh thực hiện sắp xếp 12/177 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 6 đơn vị hành chính cấp xã mới; thành lập thành phố Đông Triều trên cơ sở thị xã Đông Triều và thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã thuộc thị xã Đông Triều. Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã.
Thái Bình thực hiện sắp xếp 28/260 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 10 xã mới, giảm 18 xã. Tiền Giang thực hiện sắp xếp 10/170 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 4 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 6 đơn vị hành chính cấp xã. Vĩnh Long thực hiện sắp xếp 10/107 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã.
Như vậy, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 186 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 99 đơn vị hành chính cấp xã mới của 13 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, 13 tỉnh, thành phố không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 87 đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp của 13 tỉnh, thành phố nêu trên.
Hiện tại, còn 12 đơn vị hành chính cấp xã của 5 tỉnh sau sắp xếp dự kiến vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo yêu cầu của công tác sắp xếp và theo giải trình của Chính phủ thì không thể nhập thêm với các đơn vị hành chính liền kề, gồm: phường Phương Sài (TP. Nha Trang, Khánh Hòa); phường 1 (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang); xã Ái Quốc, xã Nam Tiến (huyện Tiền Hải, Thái Bình); xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) và phường Trần Phú (TP. Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh; các xã thuộc tỉnh Bắc Giang: Lam Sơn (huyện Tân Yên), các xã Toàn Thắng, Hoàng Vân, Đồng Tiến, Hùng Thái (huyện Hiệp Hòa), xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang).
Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính này như phương án Chính phủ đã trình để bảo đảm yêu cầu của công tác sắp xếp đơn vị hành chính theo thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35.
Quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sau sắp xếp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tích cực và quyết tâm của Chính phủ, của các bộ, nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố, gồm 13 tỉnh, thành phố trong việc xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Ủy ban Pháp luật đã cử cán bộ làm việc suốt quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án của Chính phủ và các địa phương; theo dõi, nắm tình hình và khẩn trương, tích cực phối hợp trong việc nghiên cứu, tổ chức thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng, bám sát các tiêu chuẩn, điều kiện của pháp luật quy định và có báo cáo thẩm tra cụ thể về từng đề án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua các nghị quyết. Ảnh: Hồ Long
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu trong tháng 9.2024 phải tiến hành sắp xếp xong các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, mới tiến hành sắp xếp xong tại 3 địa phương là Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang trong tháng 7; nếu lần này thông qua được 13 đơn vị như trên thì mới có 16/53 đơn vị, chiếm 30,1%, chưa đạt được theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội. “Tại sao có chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội mà chúng ta triển khai chậm như vậy, phải chăng các địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt trong việc sắp xếp này, chưa làm một cách trọn vẹn việc thực hiện chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ trương của Đảng là sắp xếp xong các đơn vị hành chính trong năm 2024 để các địa phương tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát. Những địa phương có hồ sơ, thủ tục không đầy đủ thì phải kiểm điểm, phê bình một cách nghiêm túc. Mục tiêu sắp xếp để cho tinh gọn, sắp xếp cho mạnh lên chứ không phải sắp xếp làm yếu đi.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần rà soát kỹ lưỡng đối với các trụ sở cơ quan dôi dư, tổ chức bộ máy, số biên chế. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấu hiểu ý nghĩa, yêu cầu, mục đích của việc sắp xếp; tiến hành các thủ tục hành chính phải nhanh, gọn, bảo đảm yêu cầu đi lại thuận tiện của người dân ở các địa phương.
Thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải rà soát, thống kê cụ thể số lượng đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp mà Chính phủ, địa phương chưa đề nghị thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, quan trọng là chất lượng, không vì số lượng theo quy định mà bỏ qua quy trình, thủ tục, hồ sơ không đầy đủ; quan tâm đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sau sắp xếp.
Cũng quan tâm đến vấn đề dôi dư sau sắp xếp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị, các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng những trụ sở dôi dư một cách thực sự hiệu quả, không để xảy ra tình trạng trụ sở bị bỏ hoang gây mất mỹ quan. Việc bố trí cán bộ dôi dư sau khi sáp nhập cần có phương án bố trí, xử lý để bảo đảm sắp xếp cán bộ một cách hợp tình, hợp lý, có tính ổn định, đặc biệt tới đây sẽ diễn ra đại hội Đảng các cấp.
Tiếp đó, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 13 tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Cần Thơ Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-quan-trong-la-chat-luong-khong-vi-so-luong-ma-bo-qua-quy-trinh-thu-tuc-post391679.html