Mức sinh thay thế đang có sự chênh lệch cao giữa các vùng miền.
Chủ trương đúng đắn, phù hợp, có cơ sở thực tiễn
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 21/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 12) về công tác dân số trong tình hình mới và sửa đổi các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách dân số.
Trong văn bản thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, sửa đổi quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến việc xử lý vi phạm chính sách dân số và chủ động sửa đổi Hướng dẫn số 05/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đồng bộ với việc sửa đổi các quy định của pháp luật (không hồi tố những trường hợp đã bị xử lý kỷ luật).
Bộ Chính trị giao Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng trong năm 2025. Trước mắt, Bộ Chính trị yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con, hoàn thành trong quý 1/2025.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội), đây là chủ trương rất cấp thiết, cấp bách và rất đúng.
Cả nước hiện có hơn 5,6 triệu đảng viên, theo Giáo sư Cử, định hướng quy định "không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" không chỉ tác động đến nhóm người này mà phạm vi ảnh hưởng có tính tổng thể.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giáo sư Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc đề xuất nới lỏng chính sách dân số để duy trì mức sinh thay thế đã được các chuyên gia đề xuất nhiều năm nay. Vì thế, với chủ trương "không xử lý kỷ luật Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" là chủ trương đúng đắn, phù hợp, có cơ sở thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế. Không những thế, Bộ Chính trị còn yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số; khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật có quy định về số con.
Đặc biệt phấn khởi là Bộ Chính trị đồng ý xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển giai đoạn 2026-2035.
Theo ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo một báo cáo gần đây của UNFPA, hai phần ba dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế. Đây không phải là hiện tượng tạm thời mà là thực tế mới đối với ngày càng nhiều quốc gia.
Mức sinh thay thế giảm thấp nhất trong lịch sử
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Theo kết quả Điều tra giữa kỳ dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê mới công bố, mức sinh của người Việt năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tổng cục Thống kê đánh giá, năm 2024, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam thấp hơn so với trung bình của các nước Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh của Việt Nam chỉ cao hơn 4 nước trong khu vực là Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).
Theo kết quả điều tra năm 2024, mức sinh của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con). Ở nông thôn, từ năm 2022 trở về trước, mức sinh luôn cao hơn mức sinh thay thế nhưng từ 2 năm trở lại đây mức sinh bắt đầu giảm mạnh và đã thấp hơn một chút so với mức sinh thay thế.
Số địa phương có mức sinh dưới mức sinh thay thế đang có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, năm 2023 có 27 tỉnh và đến năm 2024, con số này là 32 tỉnh. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đạt 2,01 con/phụ nữ, năm 2023, con số này là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024.
Có sự khác biệt đáng kể về mức sinh giữa các vùng kinh tế-xã hội trong cả nước. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao, cao hơn mức sinh thay thế (lần lượt là 2,34 con/phụ nữ, 2,24 con/phụ nữ). Hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (lần lượt là 1,48 con/phụ nữ và 1,62 con/phụ nữ).
Theo điều tra biến động dân số vào năm 2021 cảnh báo, xuất hiện tình trạng nam, nữ Việt Nam không muốn kết hôn, mô hình sinh con muộn ngày càng phổ biến, mức sinh chênh lệnh giữa các vùng miền...
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết, trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).
Cục trưởng Lê Thanh Dũng nhấn mạnh, nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong dự báo dân số Việt Nam tới năm 2069, ở kịch bản mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ tỷ lệ tăng dân số bình quân ở mức âm (-0,04%) vào năm 2059. Trong khi đó, nếu ở phương án mức sinh trung bình, 10 năm sau đó (2069), con số này mới đạt mức 0.
Cần nhiều chính sách tổng thể để tăng mức sinh thay thế
Giáo sư Cử nhấn mạnh, việc "không xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên" mới thay đổi một giải pháp của chính sách, mới là một điều kiện cần, nhưng chưa đủ để nâng mức sinh lên, bảo đảm “duy trì mức sinh thay thế”.
Muốn có một chính sách đủ để bảo đảm duy trì mức sinh thay thế, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cử, Việt Nam cần thêm giải pháp khác.
Đầu tiên là phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ gia đình sinh con và nuôi con nhỏ (đa dạng hóa hình thức hỗ trợ về kinh tế như trợ cấp, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn, giảm đóng góp cho các quỹ cộng đồng… ).
Nuôi, dạy con không chỉ là quyền lợi của gia đình mà còn là quyền lợi của cộng đồng, nhà nước. Vì vậy, nhà nước, cộng đồng cần chia sẻ trách nhiệm, chi phí chăm sóc, nuôi dạy trẻ ngay từ khi còn là bào thai. “Nhiều địa phương có chính sách tốt như miễn học phí từ mầm non tới phổ thông – đây là chính sách hợp lý, đúng đắn cả về tình và lý”, Giáo sư Cử nói.
Thứ 2, chúng ta cần xây dựng cơ sở dịch vụ cho các gia đình nuôi con nhỏ, như: nhà trẻ, mẫu giáo tốt hơn, chất lượng hơn để người ta yên tâm gửi con. Các hình thức dịch vụ cung cấp thực phẩm sẵn, giúp việc gia đình,… cũng cần được phát triển để giảm thời gian nội trợ, giảm nhẹ gánh nặng của phụ nữ trong gia đình với việc chăm sóc con cái.
Thứ 3, cần linh hoạt giờ giấc làm việc của những chị em mang thai và cặp vợ chồng nuôi con nhỏ để cha mẹ có chế độ làm việc linh hoạt, có thời gian chăm sóc con. Những cơ sở nuôi dạy trẻ cần có chế độ trông trẻ linh hoạt về thời gian nhận, trả
Thứ 4, nước ta có hơn một triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Do đó, nhà nước không chỉ đầu tư về mặt kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mà cần hỗ trợ kinh phí, miễn giảm kinh phí điều trị vô sinh, hiếm muộn để các cặp vợ chồng trẻ có quyền làm cha, làm mẹ.
“Chúng ta cần tổng hợp nhiều biện pháp từ hỗ trợ kinh tế, nhà ở, cơ sở dịch vụ… thì mới có thể nâng mức sinh, duy trì mức sinh thay thế chứ không chỉ một chính sách “không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên” là thay đổi được ngay”, Giáo sư Cử nhấn mạnh.
Thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay Cục Dân số đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Dân số để báo cáo Chính phủ; đang tập trung hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo luật này để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Dự Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo được xây dựng theo định hướng không quy định số con đối với mỗi cặp vợ chồng mà trao quyền quyết định và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân, cặp vợ chồng. Đây được đánh giá là thay đổi căn bản trong Dự Luật Dân số so với Pháp lệnh Dân số.
THIÊN LAM