Năm 2024, mức sinh tại khu vực thành thị thấp hơn đáng kể so với khu vực nông thôn (ảnh minh họa)
Theo thông tin được cơ quan thống kê nêu hôm 21/2, mức sinh của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, nằm trong top 5 nước thấp nhất khu vực Đông Nam Á. So với mức trung bình khu vực (2 con/phụ nữ), Việt Nam chỉ cao hơn Brunei (1,8 con/phụ nữ), Malaysia (1,6 con/phụ nữ), Thái Lan và Singapore (1 con/phụ nữ).
2 năm gần đây, mức sinh tại Việt Nam giảm nhanh, từ 1,96 con/phụ nữ năm 2023 xuống 1,91 con/phụ nữ năm 2024 - mức thấp nhất trong lịch sử. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp mức sinh của Việt Nam giảm dưới mức sinh thay thế (2,1), theo Bộ Y tế.
Dù năm 2024 là năm Thìn, theo quan niệm phương Đông là năm thuận lợi để sinh con, nhưng kết quả này cho thấy quan niệm sinh đẻ đã thay đổi, không còn phụ thuộc vào yếu tố "năm đẹp". Đồng thời, các chính sách khuyến sinh hiện tại chưa đủ hiệu quả để ngăn đà giảm sinh, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định.
Tại khu vực thành thị, mức sinh năm 2024 chỉ đạt 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Đáng chú ý, mức sinh ở nông thôn – vốn luôn cao hơn mức sinh thay thế – đã bắt đầu giảm mạnh trong 2 năm qua, xuống dưới mức sinh thay thế.
Theo các chuyên gia, mức sinh thấp tại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như áp lực công việc, khó khăn tài chính, ưu tiên phát triển sự nghiệp và thay đổi nhận thức xã hội. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ thường sinh nhiều con hơn do kết hôn sớm, ảnh hưởng bởi phong tục tập quán, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, xu hướng giảm sinh ở nông thôn đang ngày càng rõ rệt.
Mức sinh thấp tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số, làm suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, đẩy nhanh quá trình già hóa và ảnh hưởng tiêu cực đến quy mô dân số.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ "sụp đổ dân số", gây tê liệt nền kinh tế.
Trước thực trạng này, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực như giảm chi phí nuôi con, hỗ trợ nhà ở và thay đổi nhận thức xã hội.
Theo ông Mai Xuân Phương, chuyên gia về dân số, việc sinh con cần được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi cá nhân, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
TB (tổng hợp)