Khu chứng tích Sơn Mỹ - nơi lưu giữ ký ức đau thương một thời bom đạn

Khu chứng tích Sơn Mỹ - nơi lưu giữ ký ức đau thương một thời bom đạn
một ngày trướcBài gốc
Khu chứng tích Sơn Mỹ nằm cạnh quốc lộ 24B thuộc địa phận làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) là nơi tưởng nhớ vụ thảm sát Sơn Mỹ nổi tiếng (còn được biết đến là vụ thảm sát Mỹ Lai) được thực hiện bởi quân đội Hoa Kỳ. Khu vực này rộng 2,4 ha, gồm hai khu vực chính: khu chứng tích thực địa (phía tây) đã được bảo tồn, tôn tạo và khu nhà trưng bày (phía đông)
Theo các tư liệu lịch sử, cách đây 57 năm, vào sáng 16/3/1968, tại làng Sơn Mỹ, chỉ trong một buổi sáng, một trung đội lính lục quân Hoa Kỳ đã đổ quân bất ngờ và thảm sát dã man 504 thường dân vô tội, phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em mà không phải nhận một hành động phản kháng nào. Không chỉ giết người dân vô tội, chúng còn hãm hiếp nhiều phụ nữ, đốt phá nhà cửa... Vụ thảm sát đã gây chấn động dư luận thế giới về tội ác mà quân đội Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ngay trên đất Mỹ và trên thế giới. Trong ảnh: Tấm bia đá ghi danh sách những người bị lính Mỹ tàn sát tại khu chứng tích Sơn Mỹ
Từ năm 1977 - 1978, khu chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng và khánh thành để ghi nhớ tội ác chiến tranh của giặc Mỹ. Đây là di tích thảm sát duy nhất tại Việt Nam còn giữ được những bức ảnh quan trọng miêu tả chân thực những hành động thảm sát phi nhân tính, cực kỳ man rợ, để lại vết nhơ dơ bẩn nhất, không thể gột rửa cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
Cuộc thảm sát gây rúng động dư luận thế giới của quân đội Hoa Kỳ với người dân Sơn Mỹ còn được tái hiện qua những bức tượng được các nghệ nhân tạo tác trong khu chứng tích. Bất kỳ ai đến nơi này cũng đều dâng trào cảm xúc, vừa căm phẫn tội ác man rợ của giặc Mỹ, vừa rưng rưng nước mắt vì thương cho số phận của hàng trăm người dân vô tội, trong đó có nhiều trẻ em mới 1 - 3 tuổi
Khuôn viên ngoài trời khu chứng tích Sơn Mỹ phục dựng được những cảnh tượng tan hoang mà lính Mỹ từng gây ra khi xưa. Lịch sử ghi lại, chỉ trong buổi sáng, giặc Mỹ đã đốt phá 247 ngôi nhà của người dân Sơn Mỹ. Trong ảnh: Nhà của một người dân làng Sơn Mỹ bị giặc Mỹ đốt phá. Cả 5 thành viên trong gia đình này, gồm 3 trẻ nhỏ từ 2 - 9 tuổi đều bị giặc Mỹ giết hại trong sáng 16/3/1968
Đoạn mương nước phía đông xóm Thuận Yên - nơi giặc Mỹ giết hại 107 trong tổng số 504 người dân vô tội cũng được phục dựng lại trong khu chứng tích Sơn Mỹ
Những vết đạn của giặc Mỹ còn lưu giữ trên thân một cây dừa trong khu chứng tích
Khuôn viên khu chứng tích có khu tượng đài khá nổi bật. Đây là công trình nghệ thuật điêu khắc do họa sĩ Châu Đình Du sáng tác. Người thể hiện là ông Hồ Thu (chồng bà Võ Thị Liên - một nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát Sơn Mỹ). Công trình được khởi công vào tháng 10/1976, hoàn thành tháng 3/1977. Vật liệu chủ yếu là đá đen được kết dính bằng bê tông. Tượng đài khắc họa tội ác tày trời và man rợ của đế quốc Mỹ thông qua các hình ảnh: người lớn ôm đứa bé vào lòng, che chở; một phụ nữ ôm người già bị địch bắn chết; người phụ nữ sống sót sau thảm sát, thân đứng thẳng, bàn tay phải nắm chặt, giơ lên trời cao, tay trái bồng em bé như đang tố cáo tội ác tày trời của lũ lang sói
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi nhắc đến Sơn Mỹ, nỗi đau thương, mất mát vẫn không thể nào nguôi trong tâm trí người dân Sơn Mỹ cùng hàng triệu người dân Việt Nam và nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình. Tuy nhiên, người dân Sơn Mỹ đã khép lại quá khứ để cùng hướng đến tương lai tươi đẹp, biến nỗi đau thành động lực, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước, đẩy mạnh vun đắp tình hữu nghị, vì hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại. Trong ảnh: Một đoàn du khách nghe thuyết minh viên giới thiệu về khu chứng tích Sơn Mỹ
Từ năm 2002, khu chứng tích Sơn Mỹ đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Nơi đây trở thành điểm đến của hòa bình, thân thiện, được người dân trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, địa điểm này đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử chiến tranh
Nhiều nghệ sĩ nước ngoài khi đến thăm khu chứng tích Sơn Mỹ đã ghi lại những dòng cảm xúc hoặc đơn giản là chơi một bản nhạc để tưởng nhớ tới 504 nạn nhân trong vụ thảm sát kinh hoàng năm xưa. Trong ảnh: Một nghệ sĩ nước ngoài chơi đàn violin tại lễ dâng hương tưởng niệm 57 năm ngày 504 đồng bào Sơn Mỹ bị thảm sát (16/3/1968 - 16/3/2025)
Tiếng chuông tại khu chứng tích Sơn Mỹ vẫn đều đặn vang lên hằng ngày để tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn 504 thường dân đã mất trong vụ thảm sát
TIẾN MẠNH - THÀNH CHUNG
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/khu-chung-tich-son-my-noi-luu-giu-ky-uc-dau-thuong-mot-thoi-bom-dan-409111.html