Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng và tình hình thương mại thế giới biến động phức tạp, khu thương mại tự do trở thành một mô hình hiệu quả để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển lĩnh vực logistics. Tại Việt Nam, dù còn khá mới mẻ nhưng mô hình này đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm định hướng chủ trương và nhiều địa phương ưu tiên nghiên cứu, đầu tư.
Từ “người mở đường” - Khu thương mại tự do Đà Nẵng…
Ngày 26/6/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Tại Điều 13 của Nghị quyết nêu rõ việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Theo đó, thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có các khu chức năng được quy định tại quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và hoạt động quản lý nhà nước theo lĩnh vực tương ứng của các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật. Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng với khu vực bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan, thuế và xuất khẩu, nhập khẩu.
Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng, bao gồm: thời hạn hoạt động của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng; thủ tục cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; ưu đãi, thời gian miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng; ưu đãi, thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng; ưu tiên liên quan tới thực thi pháp luật về tín dụng, kế toán, hải quan, thuế, tài chính và các quy định khác của pháp luật...
Mục tiêu xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu tạo điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu cùng với hạ tầng nhiều lợi thế của Đà Nẵng sẽ giúp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Từ đó hướng tới thiết lập một trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế, tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của cảng biển và cảng hàng không. Điều này không chỉ đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm logistics của Việt Nam và khu vực mà còn gia tăng thu hút đầu tư vào Thành phố, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Đà Nẵng tăng tốc.
… đến định hướng ưu tiên đầu tư của nhiều địa phương
Mô hình thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng được phê duyệt chủ trương triển khai đã truyền "cảm hứng", động lực cho các địa phương khác.
Tiếp theo Đà Nẵng, nhiều địa phương đã có nghiên cứu, đề xuất phát triển khu thương mại tự do trên địa bàn nhằm góp phần thúc đẩy đột phá lĩnh vực logistics nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Trong số đó phải kể đến những địa phương có những lợi thế, tiềm năng về phát triển lĩnh vực logistics như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng...
Với Đồng Nai, cuối tháng 3/2025, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chấp thuận cho phép tỉnh thí điểm thành lập mô hình khu thương mại tự do gần sân bay Long Thành và cảng Phước An.
Khu thương mại tự do nhằm phục vụ nhu cầu giao thương quốc tế, phù hợp với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, lợi thế về ngành nghề, định hướng phát triển của tỉnh và của vùng Đông Nam Bộ. Nếu được xây dựng, khu thương mại tự do tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành mô hình thí điểm đổi mới cơ chế chính sách, thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Sáng 13/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Trong đó, đáng chú ý là cơ quan soạn thảo đề xuất thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, dịch vụ thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khu Thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới Hải Phòng, dự thảo Nghị quyết đề xuất một số chính sách đặc thù ưu đãi như: Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, kinh doanh; thủ tục xuất nhập khẩu; thủ tục xuất nhập cảnh, tạm trú và giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng; tối ưu hóa ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế;...
Theo đề xuất, Khu Thương mại tự do Hải Phòng được tổ chức thành các khu chức năng: Khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng - logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. (Trong ảnh: Cảng nước sâu Lạch Huyện thuộc cụm cảng Hải Phòng là là một trong những cảng biển hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay).
Ngày 14/5/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về Đề án “Nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ” nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nêu “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.
Theo dự thảo Đề án do Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình, Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ sẽ là mô hình thí điểm tích hợp các thể chế chính sách đổi mới, cơ chế ưu đãi cạnh tranh và môi trường đầu tư thông thoáng. Mục tiêu tổng quát là xây dựng khu thương mại tự do này thành không gian phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế cho vùng Đông Nam Bộ, góp phần tích lũy kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.
Theo quy hoạch dự kiến, Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ tọa lạc tại phường Phước Hòa và phường Tân Hòa, thành phố Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích khoảng 3.749,32ha. Khu vực này sẽ được tổ chức thành 3 khu chức năng chính: Khu đầu mối giao thông vận tải (bao gồm cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt); khu kho bãi logistics và công nghiệp; và khu đô thị thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao.
Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ được định hướng phát triển với trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, khu vực này sẽ là trung tâm logistics xanh, cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, gắn kết chặt chẽ với cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; là trung tâm sản xuất xanh với sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Đồng thời, khu thương mại tự do còn được kỳ vọng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, có hạ tầng tích hợp, thông minh, hiện đại; là nơi thu hút nhân lực chất lượng cao, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực logistics, dịch vụ hàng hải và thương mại quốc tế đặt trụ sở khu vực.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là trung tâm logistics xanh, cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, gắn kết chặt chẽ với cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)
Giải pháp nào xây dựng thành công Khu thương mại tự do tại Việt Nam?
Theo các chuyên gia, thành công của một Khu Thương mại tự do không phụ thuộc vào quy mô địa giới mà còn dựa trên sức mạnh liên hoàn của hệ sinh thái hạ tầng - công nghệ - tài chính - nhân lực. Do đó để thúc đẩy hình thành các khu thương mại tự do, còn rất nhiều việc phải làm.
Trước tiên, về mặt cơ chế, chính sách. Hiện tại, vướng mắc của các khu thương mại tự do tại Việt Nam chính là cơ chế, chính sách bởi các nội dung phân cấp, trao quyền, vận hành, tương tác giữa các vùng kinh tế bình thường, khu công nghiệp khác với khu thương mại tự do là chưa từng có tiền lệ. Điều này dẫn tới phải có một sự điều chỉnh trong luật, các quy trình, thủ tục xin cấp phép thành lập khu thương mại cũng chưa được dẫn chiếu từ bất kỳ văn bản nào.
Do đó, cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách chuyên biệt phát triển Khu thương mại tự do. Các địa phương có thể phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, đề xuất dự thảo Cơ chế thí điểm Khu thương mại tự do thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội phê duyệt phù hợp với lợi thế của tỉnh/thành phố; các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư; chế độ ưu tiến trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát chuyên ngành; cơ chế cấp duyệt các quy hoạch chi tiết, cấp - gia hạn - thu hồi giấy phép lao động...
Bên cạnh đó là các chính sách khuyến khích người nước ngoài phát triển logistics Việt Nam; thu hút đầu tư phát triển các cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Phát triển mạnh cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm hệ thống đường bộ, cảng biển, sân bay và cơ sở vật chất trong địa bàn tỉnh/thành phố, kết nối với các vùng lân cận sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian vận chuyển và gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động trong Khu thương mại tự do.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và vận hành, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đồng thời liên kết chuỗi giá trị, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh...
Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu tâm. Cho đến nay, dù là Đà Nẵng - địa phương đầu tiên đã được Quốc hội cho phép thí điểm xây dựng Khu Thương mại tự do hay là những địa phương đang nghiên cứu, đề xuất phát triển mô hình này thì một điều dễ nhận thấy là các địa phương này đều có lợi thế lớn về phát triển dịch vụ logistics, thu hút đầu tư tốt, hạ tầng phát triển, hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu sôi động.
Việc Đà Nẵng được Quốc hội cho phép thí điểm triển khai Khu Thương mại tự do là bước tiến quan trọng mở ra cơ hội để Đà Nẵng trở thành điểm thu hút đầu tư lớn, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, qua đó tạo nền tảng nhân rộng mô hình phát triển thương mại tự do thành công trên cả nước.
Tuy nhiên đây cũng là một thách thức bởi mô hình mang tính cạnh tranh khi được phát triển phổ biến trong khi các địa phương có sự tương đồng lớn. Do đó, để xây dựng thành công mô hình Khu thương mại tự do, mỗi địa phương nên có sự ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại thế mạnh của địa phương trong khu thương mại tự do, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác.
Bộ Công Thương với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ đến 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dự thảo Chiến lược đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, mà còn quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024
Việt Hằng