Phóng viên Báo Hà nôịmới đã có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội để làm rõ hơn về những nội dung này.
Việc mở rộng không gian công cộng tại một số khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cần quan tâm tới yếu tố văn hóa truyền thống. Ảnh: Quang Thái
- Ông có thể cho biết định hướng quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm trước đây ra sao và khu vực này có ý nghĩa như thế nào trong không gian của Thủ đô Hà Nội?
- Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch. Đặc biệt, quy hoạch năm 1992 xác định rõ vị thế của Thủ đô. Hà Nội có bước đột phá mới về phát triển không gian, với sự tham gia của cả bạn bè nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ, Hàn Quốc... Điểm nổi bật nhất, là quy hoạch lúc này được sự quan tâm rất sát sao của Bộ Chính trị, Bộ Xây dựng.
Quy hoạch đã nhận diện Hà Nội có 4 khu đặc thù cần phải quan tâm gồm: Trung tâm chính trị Ba Đình; khu phố cổ; khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận và sau này bổ sung khu phố cũ. Như vậy, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là khu vực đặc thù của Hà Nội, là trái tim cả nước và được đặc biệt quan tâm từ những năm sau đổi mới.
Với vai trò như thế, nhiều nước trên thế giới cũng quan tâm đặc biệt đến phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, vùng phụ cận. Ngay người Pháp đã gìn giữ khu phố cổ, phát triển ở khu phố cũ (từ phía Lò Đúc trở ra). Họ luôn giữ hồ Hoàn Kiếm làm không gian trung chuyển giữa cái cũ với cái mới của Hà Nội.
Về vị thế hồ Hoàn Kiếm, đây là khu đặc trưng của Hà Nội, nhưng là khu vực mang đậm dấu ấn của các thời kỳ phát triển. Quy hoạch chi tiết khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được duyệt năm 1996. Định hướng về hồ Hoàn Kiếm trong quy hoạch 1996 không thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mà là ý kiến của lãnh đạo từ Bộ Chính trị đến Thủ tướng Chính phủ và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
- Ông có thể chia sẻ một vài nội dung cụ thể hơn về định hướng quy hoạch trước đây của hồ Hoàn Kiếm và phụ cận?
- Trong quy hoạch 1996, bên cạnh định hướng phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra lưu ý cải tạo, chỉnh trang một số công trình, tuyến phố, trong đó có công trình số 135 phố Đinh Tiên Hoàng; nhà Bưu điện ở cạnh trụ sở UBND thành phố; xem xét lại mặt đứng trụ sở UBND thành phố; mở rộng không gian nhà Thủy Tạ… Tất cả công trình ấy, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã có nhiều ý kiến tiếp thu, sửa chữa.
Chúng ta cần thấy hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận là khu vực đặc trưng bởi tính đậm đặc di sản đô thị và di tích kiến trúc. Sau quy hoạch 1996, Hà Nội đã có từng bước điều chỉnh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, như: Điều chỉnh tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ; tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi; khu vực vườn hoa trước đền Bà Kiệu, cầu Thê Húc… Tuy nhiên, cũng có một số dự án không thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả.
Với vai trò, vị thế của hồ Hoàn Kiếm trong bối cảnh mới, chúng ta phải suy nghĩ để cải tạo, chỉnh trang thích hợp. Nhưng để chọn được dự án ưu tiên, rất cần có cái nhìn tổng thể về quy hoạch phát triển khu vực hồ Hoàn Kiếm. Định hướng phát triển này đã được hình thành từ những năm 90, có sự chỉ đạo của Trung ương. Vì vậy, chúng ta phải xem xét, kế thừa bài học kinh nghiệm đã thực hiện, rút bài học những dự án chưa làm được, trên cơ sở đó đưa ra được một bức tranh toàn cảnh.
- Vậy theo ông, trong quá trình hoàn thiện việc nghiên cứu, mở rộng không gian công cộng tại một số khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, thành phố cũng như các đơn vị thực hiện cần lưu ý những nội dung gì?
- Giới chuyên gia quy hoạch hoan nghênh UBND thành phố có những đề xuất mới nhưng cần kế thừa quá trình nghiên cứu; cần nhận diện toàn bộ yêu cầu để lựa chọn dự án ưu tiên, nhận diện rõ di sản của từng khu vực. Ngoài yếu tố phát triển không gian, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, rất cần quan tâm yếu tố văn hóa truyền thống và tâm linh của người dân.
Trong quá trình chỉnh trang, cải tạo không gian một số khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, cần đặc biệt quan tâm một số yếu tố. Cụ thể, về không gian xanh công cộng, hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố chỉ tiêu này thấp hơn so với quy định. Với đô thị đặc biệt, chỉ tiêu không gian xanh công cộng là 7m2/người nhưng Hà Nội mới chỉ đạt 5,2m2/người. Thành phố đang được định hướng gồm các khu vực nội đô lịch sử; đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Quảng trường chia ra là quảng trường quốc gia; quảng trường vùng và quảng trường khu vực. Vậy thì quảng trường sẽ hình thành mới tại khu vực phía Đông ở cấp nào để có quy mô hợp lý. Việc thành phố bổ sung thêm quảng trường ở khu vực này là cần thiết nhưng cần liên kết cả khu phố cổ để tạo nên tổng thể hoàn chỉnh.
Về cây xanh, mỗi cây đều có hồn cốt, đặc biệt với những cây xanh lâu đời ở Hà Nội. Đặt vấn đề thay thế cây chết mục là cần thiết nhưng phải cùng chủng loại với cây cũ để mang yếu tố truyền thống.
Riêng về nghiên cứu phát triển không gian ngầm tại đây, hồ Hoàn Kiếm có cấu trúc địa hình tự nhiên đặc biệt, đã hình thành từ lâu đời, trước đây là sông, bãi cho nên nếu đặt ra vấn đề làm ngầm thì cần nghiên cứu địa chất, thủy văn. Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại, đặc biệt không làm ảnh hưởng đến di tích xung quanh và ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Hân