(Đọc trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” của nhà văn Châu La Việt)
Hai người con của làng quê Xuân Cầu
Châu La Việt là nhà văn nổi tiếng, từng khoác áo lính trong thời kháng chiến chống Mỹ, một nhà văn dồi dào bút lực với hàng chục tác phẩm viết về những người lính, những chân dung nghệ sĩ của một thời..., được bạn đọc yêu thích.
Bìa tập trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”
Trường ca này cũng là một thiên anh hùng ca đậm chất sử thi về những con người sống, chiến đấu, hy sinh cho đất nước thống nhất, hòa bình. Hai nhân vật chính trong trường ca là hai người con của làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Một người là ông Tô Quyền, cán bộ lãnh đạo ngành an ninh tỉnh Tây Ninh, đóng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, sống và chiến đấu trong tình thương, đùm bọc của nhân dân, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn; người còn lại là nghệ sĩ Tô Lan Phương, cháu nội của nhà cách mạng Tô Hiệu lưu danh lịch sử với cây đào Tô Hiệu ở nhà tù Sơn La thời Pháp thuộc, nghệ sĩ trong đoàn văn công ở tuyến đầu chống giặc...
Trường ca mở ra với không gian thủ đô Hà Nội những năm 1960 sục sôi khí thế chống Mỹ, cô gái Tô Lan Phương “bỏ lại sau lưng vầng hào quang sáng chói/ những chân trời rực nắng bạch dương,” cùng đồng đội rời thủ đô vào Nam, đến chiến trường Nam Bộ: “Ấy là lúc có một người con gái/ tuổi mười chín mái tóc xõa ngang vai/ em ra đi cùng bạn bè đồng đội”.
Vượt qua gian khổ, hiểm nguy
Những chàng trai, cô gái ngày ấy vượt Trường Sơn, đến với miền Nam, “chọn sân khấu nơi miền Nam lửa đạn/ làm người chiến sĩ và khúc hát trên môi”. Đi qua núi cao, vực thẳm, qua những cơn sốt rét rừng, “lần đầu tiên họ đứng trên đỉnh núi/ hát trong bóng đêm/ cho những đoàn quân qua”...
Nơi chiến trường đó, những cánh rừng cũng vắng tiếng chim bởi bom đạn trút xuống triệt tiêu tất cả. Đó là những tháng ngày vô cùng hiểm nguy, gian khổ, song những người lính, những chiến sĩ - văn công kiên trì vượt qua. Bởi điểm tựa là tình yêu quê hương, gia đình. Với truyền thống từ ông cha:
“Em đã mang cây đào thắm đỏ ấy/ những tháng ngày vượt nắng lửa Trường Sơn/ em đã mang cây đào như lửa cháy/ trong tim mình những năm tháng chiến trường”.
Và tình yêu của người mẹ đã nâng bước cô qua tiếng đàn mẹ cô đệm trên đài phát thanh chương trình ca nhạc hay tiếng thơ từ Hà Nội: “Tiếng đàn mẹ ngấm hồn con tuổi thơ/ mẹ thường đệm cho những người chiến sĩ/ làn sóng đài đêm đêm những tiếng thơ”.
Người chỉ huy tài năng, dũng cảm
Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu đến với chiến trường từ rất sớm, đó là ông Tô Quyền, Tỉnh ủy viên Tây Ninh, phụ trách an ninh, lấy tên con Tô Lâm làm bí danh. Ông gầy dựng phong trào, dựng xây đội ngũ, chỉ đạo chiến đấu:
“Dùng địch đánh địch”, “lấy ác diệt ác”/ những phương châm thành sách lược an ninh/ thành nghệ thuật của Tây Ninh đánh giặc/ thành diệu kỳ của chiến tranh nhân dân”
Người cán bộ ấy cùng anh em chiến sĩ kiên cường bám đất, chiến đấu dũng cảm, tạo hành lang giữ gìn căn cứ Trung ương Cục miền Nam: “Bà con gọi ông “chú Tư Tô Lâm”/ bà con thương ông củ khoai củ sắn/ áo bà ba đã bao mùa mưa nắng/ áo bà ba vết đạn chưa kịp khâu”.
Giữa chiến trường khốc liệt ấy, hai chú cháu của quê hương Xuân Cầu đã gặp nhau. Ông nói với nghệ sĩ Tô Lan Phương “Chú đã nhiều lần được nghe cháu hát/ giọng rất hay chiến sĩ đều ngợi ca”, ông căn dặn “Hãy xứng đáng với truyền thống quê hương”. Còn nghệ sĩ “Phương nắm tay ông biết bao xúc động/ chiến công của ông Phương cũng đã nghe nhiều/ tên tuổi của ông chiến trường chấn động/ chú Tô Lâm bao đồng chí thương yêu”
Sau đó nghe tin ông hy sinh, cô bàng hoàng, quyết băng rừng để xác thực nguồn tin. Nghe được tiếng ông qua điện thoại gọi về, biết ông lập thêm chiến công, ai cũng vui mừng.
Tác giả cũng cho người đọc biết được về hậu phương vững chắc của người cán bộ an ninh, đó là người vợ tảo tần nuôi con ăn học, các con chăm ngoan, khôn lớn, trưởng thành, ông yên tâm công tác, sống, chiến đấu trong yêu thương, đùm bọc của người dân miền Nam, lập nhiều chiến công hiển hách: “Sáu đơn vị ông chỉ huy - sáu đơn vị anh hùng/ an ninh Tây Ninh trưởng thành trong đạn lửa”.
Rung ngân cảm xúc và lòng biết ơn
Với chất sử thi trên nền kháng chiến hào hùng, “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” vừa có những khúc tráng ca âm vang trong lòng người đọc, vừa có những không gian, hình ảnh, câu chuyện trữ tình, lãng mạn của những người trẻ tuổi đem thanh xuân hiến dâng cho đất nước. Tình cảm thân thương của văn công và chiến sĩ cũng là động lực cho họ sống, chiến đấu. Chiến sĩ có nguyện vọng được xem văn công biểu diễn trước khi vào trận chiến, cấp trên đồng ý, khi văn công đến nơi thì chiến sĩ đã rời đi. Đoàn văn công hành quân để theo kịp và biểu diễn cho những người lính:
“Những chiến sĩ khẩu súng quàng trước ngực/ lặng yên nghe những tiếng hát vút cao/ cứ tưởng chiến tranh chẳng có gì ngoài súng đạn/ ai ngỡ rằng có tiếng hát đi theo”
Trải qua bao hy sinh, bao máu xương đã đổ, tháng 4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình.
50 năm đã qua nhưng ký ức tuổi thanh xuân còn mãi trong trường ca của Châu La Việt. Tác giả sử dụng thủ pháp đồng hiện, nhịp điệu trầm hùng, thi ảnh trữ tình... để khắc họa chân dung những con người của một thời, những thế hệ không tiếc máu xương, hy sinh vì dân vì nước. Người cán bộ lãnh đạo an ninh tài giỏi, người nghệ sĩ - chiến sĩ cũng là hiện thân của những người làm nên chiến thắng. Cùng với họ là lớp lớp cán bộ - chiến sĩ, những người anh hùng: “Tên họ mãi còn với đất nước quê hương/ tên họ trong lòng nhân dân yêu dấu”.
Trường ca khép lại vẫn rung ngân những cảm xúc của một thời hoa lửa, của lòng biết ơn...
Bùi Phan Thảo