'Khung giờ yên tĩnh' hướng đến môi trường sống văn minh

'Khung giờ yên tĩnh' hướng đến môi trường sống văn minh
11 giờ trướcBài gốc
Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn từ việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè… đã trở thành vấn nạn. Ảnh: MINH ANH
Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương vừa có chỉ thị gửi lãnh đạo 40 xã, phường mới ở Huế sau sáp nhập. Đáng chú ý là chỉ thị yêu cầu xây dựng khung giờ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn ở các khu dân cư, vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn an ninh trật tự.
Ở hầu hết đô thị Việt Nam, trong đó có Huế, nhất là các khu vực đông dân cư, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn kéo dài từ karaoke, loa kéo, buôn bán lấn chiếm vỉa hè… đã trở thành vấn nạn. Tuy không gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe như tai nạn giao thông hay cháy nổ, nhưng ô nhiễm tiếng ồn lại âm thầm bào mòn chất lượng sống của người dân, khi giấc ngủ bị quấy rầy, trẻ em khó học hành, người cao tuổi stress... trong khi việc xử lý còn nhiều bất cập.
Trong bối cảnh đó, việc UBND TP. Huế ra chỉ thị yêu cầu xây dựng khung giờ yên tĩnh, hạn chế tiếng ồn ở các khu dân cư, vận động người dân ký cam kết không gây tiếng ồn, giữ gìn an ninh trật tự rất cần thiết và kịp thời.
Điểm đáng chú ý trong chỉ thị của UBND TP. Huế là việc xây dựng “khung giờ yên tĩnh” không đứng riêng lẻ, mà nằm trong một hệ thống các mục tiêu hướng tới mô hình “xã/phường ba không”: không rác, không ồn, không tệ nạn.
Sau sáp nhập, TP. Huế có 40 xã/phường mới, với nhiều thách thức trong điều hành bộ máy chính quyền 2 cấp. Trong bối cảnh ấy, việc đưa ra các tiêu chuẩn sống cụ thể, dễ hiểu, dễ giám sát - như “giờ yên tĩnh” - là một cách để chính quyền thiết lập trật tự từ cơ sở, qua đó củng cố niềm tin của người dân vào một bộ máy “gọn nhưng tinh, gần dân nhưng mạnh” như cách diễn đạt trong chỉ thị.
Trong môi trường đô thị hiện đại, không thể có đủ lực lượng công quyền để giám sát từng tiếng ồn hay hành vi thiếu văn minh. Nhưng nếu người dân có thể sử dụng công nghệ để phản ánh, giám sát lẫn nhau một cách văn hóa, và nếu chính quyền lắng nghe và phản hồi kịp thời, thì sẽ hình thành nên một “văn hóa tự quản” bền vững.
Trong xu hướng cạnh tranh địa phương về thu hút đầu tư, tiềm năng, nhân lực và chất lượng sống đang trở thành “điểm cộng” then chốt. Ngoài chính sách thuế, mặt bằng ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh gọn, thì cảm giác dễ sống, đáng sống, đến từ giao thông thuận tiện, môi trường trong lành đến tiếng ồn được kiểm soát và cộng đồng cư xử văn hóa, là một lợi thế.
Huế, với định hướng xây dựng hình ảnh “xã/phường phát triển, ổn định, đáng tin cậy trong lòng người dân và nhà đầu tư”, đã đúng khi chọn một khía cạnh tưởng nhỏ nhưng rất sâu là “giờ yên tĩnh” để làm tiêu chí biểu trưng cho cả một chiến lược phát triển bền vững. Cùng với đó là các hành động đồng bộ như kiểm soát hoạt động kinh doanh gây tiếng ồn, đẩy mạnh vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai và xây dựng sản phẩm đặc trưng. Nếu thành công, Huế không chỉ giữ được bản sắc “đô thị di sản”, mà còn trở thành hình mẫu về đô thị sống tốt - nơi mà từng giấc ngủ của cư dân cũng được bảo vệ bằng một chính sách công cụ thể, thực thi đến tận khu dân cư.
Sự yên tĩnh, về bản chất, là biểu hiện của trật tự, của sự đồng thuận xã hội và của năng lực điều hành hiệu quả từ chính quyền. Một thành phố không tiếng ồn không phải là nơi tĩnh lặng đến mức buồn tẻ, mà là nơi con người được sống trọn vẹn trong sự thư thái, an toàn và tôn trọng lẫn nhau. Chỉ thị của TP. Huế về xây dựng khung giờ yên tĩnh cho thấy một bước tiến quan trọng trong cách tư duy về phát triển đô thị khi tập trung vào trải nghiệm sống của từng người dân.
Khung giờ yên tĩnh không phải để đồng nhất cứng nhắc, mà để mỗi một người dân, gia đình, tổ dân phố… cùng ý thức về một chuẩn mực sống có ý thức, có trách nhiệm với cộng đồng.
TỪ ÂN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/ban-doc/ban-doc-viet/khung-gio-yen-tinh-huong-den-moi-truong-song-van-minh-155629.html