Khủng hoảng giáo viên tại Nhật Bản: Áp lực quá tải và hồi chuông cảnh báo cho hệ thống giáo dục

Khủng hoảng giáo viên tại Nhật Bản: Áp lực quá tải và hồi chuông cảnh báo cho hệ thống giáo dục
một ngày trướcBài gốc
Giáo viên Nhật Bản đang bị bào mòn bởi những nhiệm vụ ngoài sư phạm. Ảnh: iStock
Hệ thống giáo dục Nhật Bản từ lâu được ca ngợi vì tính kỷ luật, chất lượng giảng dạy và nền tảng vững chắc về tri thức. Thế nhưng, theo Channel News Asia, đằng sau sự vận hành hiệu quả ấy là một thực trạng đang ngày càng trở nên đáng báo động: hàng chục nghìn giáo viên công lập nghỉ việc hoặc xin nghỉ dài hạn vì lý do sức khỏe tâm thần, trong bối cảnh áp lực công việc không ngừng gia tăng, nguồn nhân lực mới ngày càng suy giảm và môi trường làm việc thiếu bền vững.
Vấn đề này đang dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với Nhật Bản, mà còn với nhiều quốc gia đặt nặng thành tích giáo dục nhưng chưa đầu tư thỏa đáng cho lực lượng giáo viên.
Gánh nặng ngoài giảng dạy: Khi giáo viên kiêm đủ mọi vai trò
Câu chuyện của cô Chiharu Kurayama, giáo viên Trường Tiểu học Shimoda tại Tokyo, là một minh chứng tiêu biểu cho áp lực nghề giáo tại Nhật Bản hiện nay. Giờ làm việc chính thức kéo dài từ 8h sáng đến 16h30, nhưng cô thường chỉ rời trường sau 8h tối.
Cô Chiharu Kurayama, giáo viên trường Tiểu học Shimoda, cho biết thường chỉ được rời trường vào 8h tối sau khi giải quyết những công việc không liên quan đến sư phạm. Ảnh: CNA
Ngoài việc giảng dạy gần như toàn bộ các môn học (trừ âm nhạc), cô phải giám sát học sinh có nhu cầu đặc biệt, ăn trưa cùng học sinh để phát hiện dấu hiệu bắt nạt hay dị ứng, xử lý các công việc hành chính và trả lời các cuộc gọi từ phụ huynh cho tới tối muộn.
“Những công việc không liên quan đến giảng dạy nên được giao cho người khác”, cô nói, nhấn mạnh rằng nếu giáo viên được tập trung vào chuyên môn, chất lượng dạy học sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, giáo viên tại các trường công đang bị cuốn vào vô vàn nhiệm vụ phụ trợ, từ tổ chức ngoại khóa, quản lý các vụ việc học đường cho đến giải quyết các vấn đề với phụ huynh.
Căng thẳng kéo dài, nguy cơ “karoshi” và hệ lụy sức khỏe tâm thần
Với lịch làm việc thường xuyên kéo dài hơn 14 giờ mỗi ngày, giáo viên Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ “karoshi” – hiện tượng tử vong vì làm việc quá sức. Một khảo sát của Liên đoàn Giáo viên Nhật Bản cho thấy các giáo viên công lập ở nước này trung bình làm ngoài giờ tới 96 tiếng mỗi tháng – vượt xa ngưỡng 80 tiếng mà chính phủ xác định là “vùng nguy hiểm”.
Thầy Yuya Koga thường rời trường lúc 7h30 tối. Sau đó, thầy mang bài tập còn dang dở về nhà và kết thúc làm việc lúc 11h đêm. Ảnh: CNA
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy năm 2022, hơn 12.000 giáo viên công lập nghỉ việc dài hạn do vấn đề tâm lý, trong khi gần 1.000 người khác cũng đã nghỉ việc vì lý do tương tự chỉ trong năm học 2021. Khi số lượng giáo viên giảm, những người còn lại phải gánh thêm phần việc, khiến họ càng mệt mỏi hơn.
Cô Kurayama từng phải nghỉ hai tháng để điều trị chứng mất thính lực do căng thẳng công việc. Nhiều giáo viên khác cũng rơi vào tình trạng trầm cảm, kiệt sức, thậm chí mất động lực theo đuổi nghề.
Nguồn nhân lực cạn kiệt và vòng xoáy luẩn quẩn
Đáng lo ngại hơn, số lượng người trẻ muốn trở thành giáo viên đang sụt giảm nghiêm trọng ở nước này. Năm 2024, tỷ lệ ứng viên cho mỗi vị trí giáo viên tiểu học công lập tại Tokyo chỉ còn 1,1 người – mức thấp kỷ lục. Thành phố này hiện thiếu hàng trăm giáo viên tiểu học, dẫn đến tình trạng học sinh phải tự học không giám sát, hoặc giáo viên hiện tại phải gánh thêm nhiều phần việc ngoài chuyên môn.
Nhiều giáo viên Nhật Bản rơi vào tình trạng trầm cảm, kiệt sức, thậm chí mất động lực theo đuổi nghề do phải đảm đương quá nhiều công việc ở trường.
Vòng xoáy thiếu người – quá tải – kiệt sức đang đẩy hệ thống giáo dục công lập của Nhật Bản đến bờ vực suy kiệt. Tỷ lệ nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu tăng mạnh, trong khi áp lực làm việc vẫn không giảm, khiến nhiều giáo viên trẻ nản lòng hoặc sớm từ bỏ nghề.
Nỗ lực cải cách và thách thức thể chế
Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách như thuê ngoài một số công việc hành chính, tăng cường nhân lực hỗ trợ, và nới lỏng điều kiện cấp chứng chỉ sư phạm từ năm tài khóa 2025. Một số trường học cũng chủ động cắt giảm thời lượng dạy buổi chiều, khuyến khích giáo viên nghỉ sớm, phân công công việc theo năng lực cá nhân.
Tuy nhiên, các điều chỉnh này gặp trở ngại lớn từ thể chế hành chính – mọi thay đổi tại trường công lập đều phải được phê duyệt bởi hội đồng giáo dục địa phương, dẫn đến tiến độ cải cách chậm chạp. Trong khi đó, phụ cấp làm thêm giờ cho giáo viên vẫn giữ nguyên mức 4% lương cơ bản/tháng – con số không thay đổi trong hơn 50 năm qua, bất chấp khối lượng làm việc thực tế đã gia tăng đáng kể.
Tại Nhật Bản, giáo viên chỉ được hưởng phụ cấp làm thêm cố định 4% lương/tháng, dù làm thêm bao nhiêu giờ, và mức này không đổi suốt hơn 50 năm.
Những cải cách có thể đòi hỏi phải tăng ngân sách cho giáo dục, tuy nhiên tỷ lệ ngân sách quốc gia chi cho giáo dục đã giảm trong những năm gần đây - từ 8% năm 2001 xuống còn 4,9% năm 2022.
Cần hành động cấp bách để giữ chân người dạy học
Khủng hoảng giáo viên tại Nhật Bản không còn là vấn đề nội bộ ngành giáo dục, mà đã trở thành thách thức mang tính xã hội. Những nỗ lực cải cách hiện nay, dù đáng ghi nhận, vẫn cần đi kèm với sự đầu tư nghiêm túc về ngân sách, nhân sự hỗ trợ và thay đổi tư duy quản lý.
Việc giảm tải áp lực cho giáo viên, nâng cao chế độ đãi ngộ, và tái cấu trúc nhiệm vụ giảng dạy là những bước đi cấp thiết để giữ chân người dạy và bảo vệ chất lượng giáo dục. Bài toán không chỉ nằm ở những giải pháp trước mắt, mà còn ở việc khôi phục niềm tin và động lực làm nghề của các nhà giáo – điều sẽ quyết định tương lai của không chỉ học sinh mà của cả một nền giáo dục.
Hồng Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khung-hoang-giao-vien-tai-nhat-ban-ap-luc-qua-tai-va-hoi-chuong-canh-bao-cho-he-thong-giao-duc-10380947.html