Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ảnh Quochoi.vn
Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung các điều, khoản tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tập trung thể chế hóa thực hiện các chính sách gồm: Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh phân công, phân cấp quản lý để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Mục đích là nhằm tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ chín vào sáng 6-5-2025. Ảnh: Quochoi.vn
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày, đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật, như: Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.
Đặc biệt, về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Chương IV, V của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành), đề nghị rà soát quy định về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất (Khoản 16 Điều 1 dự thảo Luật và Điều 29 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện hành); nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Điều 66 Luật hiện hành)...
Về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tạo cơ sở pháp lý để quy định công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đơn giản tối đa thủ tục hành chính; chỉ thực hiện đánh giá một lần làm cơ sở cho việc công bố tránh chồng chéo, trùng lặp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc công bố hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí; bảo đảm thực hiện thống nhất ở các bộ chuyên ngành.
Đỗ Chí