Chiều 6/5, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 3 xem xét cho ý kiến dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi). Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì phiên họp. Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự, phát biểu tiếp thu giải trình. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chức năng; các ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội dự, phát biểu ý kiến.
Đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh
Trình bày tóm tắt tờ trình dự án luật, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, việc xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính nhân đạo, khoan hồng, vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì phiên họp.
Bố cục dự thảo bộ luật gồm 3 phần, 25 chương, 411 điều; so với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017), đã bỏ 1 chương và 18 điều luật, giữ nguyên 180 điều luật; bổ sung 3 điều luật mới; sửa đổi, bổ sung về nội dung đối với 50 điều luật. Đối với các điều luật khác chỉ sửa đổi, điều chỉnh mức định lượng là tiền đề làm căn cứ định khung hình phạt và hình phạt tiền lên gấp đôi để phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trình bày tóm tắt dự án luật.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, dự thảo bộ luật sửa đổi đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình gồm: Bổ sung quy định về việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình 2 năm đối với người bị kết án tại thời điểm tuyên bản án tử hình nhằm tạo điều kiện, khuyến khích người bị kết án tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác; tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tội phạm; bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước. Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.
Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội
Ngoài ra, phạm vi sửa đổi còn bổ sung một số nội dung như: mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội đối với 6 tội: tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và tội sản xuất trái phép chất ma túy để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các tội này; mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại đối với 9 tội: tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác; tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán niêm yết chứng khoán; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế và tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại để phù hợp với tình hình thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với các tội này do pháp nhân thương mại thực hiện; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính; bổ sung quy định về việc loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; nâng mức hình phạt tù, tiền đối với một số tội danh và một số hành vi để đảm bảo tính răn đe để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế như tội phạm về môi trường, ma túy nhằm bảo vệ môi trường sống an toàn, bền vững cho các thế hệ tương lai...
Các đại biểu dự phiên họp.
Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo bộ luật còn sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Phòng, chống mua bán người và Luật CAND.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành và các quan điểm, định hướng sửa đổi BLHS đã nêu tại Tờ trình; hồ sơ dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đầy đủ các tài liệu theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi Bộ Luật hình sự để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, đáp ứng được 3 yếu tố của kết luận của cơ quan có thẩm quyền đó là tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình và khắc phục những bất cập trong quy trình, thủ tục thực hiện; nhằm đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nên đã đồng thời tập trung số lượng lớn nhân lực, vật lực để thực hiện; xin ý kiến tương đối đầy đủ các bộ, ngành chức năng, trong đó có các cơ quan trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Bộ Luật hình sự như Tòa án, Viện Kiểm sát, Liên đoàn Luật sư…” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định; đồng thời cho biết đã nhận được báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành chức năng; đã mời các chuyên gia thảo luận, hội thảo, tọa đàm…từ đó, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để đưa vào dự thảo bộ luật.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, “chúng tôi quyết tâm chỉ bàn làm không bàn lùi, thực hiện nghiêm kết luận của cơ quan có thẩm quyền, huy động nhân lực, vật lực làm việc suốt ngày đêm, đảm bảo làm rất thận trọng, công phu, kỹ lưỡng, khoa học, dày dặn".
Đồng chí Thứ trưởng cho biết, các đề xuất trong dự thảo luật rất phù hợp với kết luận của cơ quan có thẩm quyền là tăng mức hình phạt tiền, giảm mức hình phạt tù. Đối với các ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu từng ý để chắt lọc, đưa vào dự thảo. “Đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, chúng tôi sẽ có hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay” - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận nội dung họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ có cập nhật thêm các ý kiến để đảm bảo chất lượng dự thảo trình Quốc hội. “Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến, ghi nhận đầy đủ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho biết.
Phương Thủy