Khuyến khích phát triển vận tải khách bằng xe buýt

Khuyến khích phát triển vận tải khách bằng xe buýt
2 ngày trướcBài gốc
Với mạng lưới đường bộ được đầu tư nâng cấp, phát triển đồng bộ, liên hoàn các cấp đường đến tận địa bàn xã, thôn xóm nên ngành vận tải xe khách trên địa bàn tỉnh thời gian qua phát triển mạnh. Ngoài các tuyến xe khách cố định đi ngoại tỉnh, vận tải khách bằng xe buýt, taxi cũng phát triển cả về tuyến và lượng xe, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, đi lại của nhân dân.
Các tuyến xe buýt nội tỉnh phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh.
Với các ưu điểm như giá vé rẻ, hoạt động liên tục cả ngày, xe buýt được nhiều người, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân lao động lựa chọn. Việc phát triển phương thức vận tải công cộng này còn giúp giảm sử dụng phương tiện cá nhân để lưu thông dẫn đến giảm mật độ phương tiện trên đường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao văn minh đô thị. Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện nay toàn tỉnh đã có 10 tuyến buýt hoạt động ổn định với tổng số 75 phương tiện (có 32 xe buýt nhỏ sức chứa dưới 40 hành khách/xe và 43 xe buýt trung bình với sức chứa từ 40-60 hành khách/xe). Có 8 tuyến xe buýt nội tỉnh và 2 tuyến xe buýt liên tỉnh từ thành phố Nam Định đi các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và ngược lại do Công ty TNHH Ô tô Đại Duy, Công ty Cổ phần Xuân Thiệu khai thác. Bên cạnh đó, từ tháng 1/2024 Công ty TNHH Ô tô Đại Duy tham gia cùng với Công ty Cổ phần Xe khách Hà Nội (thành phố Hà Nội) khai thác tuyến vận tải khách bằng xe buýt 215 từ Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) - Bến xe khách trung tâm huyện Trực Ninh. Trong năm 2024, các tuyến xe buýt của tỉnh đã phục vụ tổng số 94.170 chuyến với trên 2,6 triệu lượt khách; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Các tuyến xe buýt nội tỉnh đều có điểm đầu tại thành phố Nam Định có 3 tuyến đến điểm cuối là huyện Giao Thủy (các tuyến NĐ01; NĐ08A; NĐ10); các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, Trực Ninh mỗi huyện có 1 tuyến buýt (tuyến NĐ02 đến thị trấn Thịnh Long, Hải Hậu; tuyến NĐ03 đến thị trấn Đông Bình, Nghĩa Hưng; tuyến NĐ06B đến cầu Vĩnh Tứ, xã Yên Lợi, Ý Yên; tuyến NĐ-07 đến xã Trực Khang, Trực Ninh và tuyến NĐ08B đến xã Xuân Đài, Xuân Trường). Các tuyến buýt nội tỉnh hoạt động liên tục từ 5 đến 18 giờ hàng ngày, giá vé toàn tuyến cao nhất là 35 nghìn đồng/người; giá vé lượt bình quân 23 nghìn đồng/người, chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ của nhân viên không ngừng được cải thiện; hệ thống điểm dừng đỗ đón/trả khách hợp lý, thuận tiện kết nối với hệ thống giao thông, các bệnh viện, trường học và trung tâm các địa phương đã phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của hành khách trong tỉnh; góp phần phát triển hoàn chỉnh hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng văn minh, hiện đại và an toàn.
Cùng với các tuyến buýt nội tỉnh, các tuyến buýt liên tỉnh đang hoạt động là NH05 (Nam Định - Hà Nam) và 215 (Bến xe Trực Ninh - Bến xe Mỹ Đình) cũng đang hoạt động ổn định đã đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân, hình thành thói quen sử dụng xe buýt cho người dân đi lại, nhất là đối với những người phải thường xuyên qua lại các địa phương (học tập, công tác, kinh doanh buôn bán hay đi chữa bệnh). Tuyến buýt NH05 có cự ly vận chuyển toàn tuyến là 75km; có điểm đầu tại bến xe Trực Ninh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) và điểm cuối tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cơ sở 3 (Hà Nam). Tuyến buýt NH05 có tổng cộng 8 xe (sức chứa mỗi xe 19 chỗ ngồi, 1 chỗ đứng) với tần suất chạy xe giờ cao điểm 40 phút/chuyến; giờ thấp điểm 50 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 5 giờ 10 phút đến 18 giờ với tổng số 36 chuyến/ngày (18 vòng/ngày). Giá vé toàn tuyến của tuyến buýt NH05 là 60 nghìn đồng/hành khách; trong chặng là 10 nghìn đồng/hành khách; liền chặng là 20 nghìn đồng/hành khách; cách 1 chặng là 30 nghìn đồng/hành khách; cách 2 chặng là 45 nghìn đồng/hành khách.
Tuyến buýt 215 có cự ly tuyến 112km từ Bến xe Mỹ Đình (thành phố Hà Nội) - đi Bến xe Trực Ninh (Nam Định) có thời gian hoạt động trong ngày: Mở bến đầu A lúc 5 giờ, đầu B lúc 4 giờ; đóng bến đầu A lúc 20 giờ, đầu B lúc 19 giờ; giãn cách chạy xe 30 phút/lượt, tổng số 62 lượt xe/ngày; giá vé toàn tuyến 100 nghìn đồng/lượt, vé chặng/lượt gồm các loại 30-50-70 nghìn đồng (riêng giá vé từ thành phố Nam Định đến Bến xe Mỹ Đình là 85 nghìn đồng/lượt).
Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đại Duy, đơn vị tham gia hoạt động tuyến buýt 215 cho biết: Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách bằng xe buýt, đầu tháng 4/2025 Công ty đã đầu tư trên 22 tỷ đồng trang bị 20 phương tiện Ford Transit loại 16 chỗ ngồi/xe để thay thế cho các phương tiện cũ (loại xe 51 chỗ ngồi và đứng), cải thiện triệt để chất lượng phục vụ hành khách. Hệ số khách/tuyến của tuyến buýt 215 đã được nâng lên rõ rệt, đạt mức 70-80%. Dự kiến trong quý IV/2025 Công ty tiếp tục đầu tư thêm từ 10-20 phương tiện cùng loại để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trong các dịp cao điểm. Riêng đối với tuyến buýt liên tỉnh NN11 (Nam Định - Ninh Bình) do đơn vị khai thác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nên đã xin tạm dừng hoạt động. Sở Xây dựng đang động viên, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt đầu tư phương tiện, nhân lực để hoạt động trở lại, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Để phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt, ngày 10/12/2024 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 133/2024/NQ-HĐND Quy định mức hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng đối với các dự án đầu tư phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh Nam Định từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ lãi suất đối với 1 chủ dự án hàng năm bằng 3%/năm tính trên số dư nợ vay thực tế và tối đa không quá 200 triệu đồng/1 năm. Đối với dự án đầu tư phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh số tiền hỗ trợ đối với 1 chủ dự án hàng năm bằng 4%/năm tính trên số dư nợ vay thực tế và tối đa không quá 300 triệu đồng/năm; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn thực tế, nhưng tối đa không quá 5 năm, đối với đầu tư phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 7 năm (tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với tổ chức tín dụng).
Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, trong thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy hoạch chuyên ngành để tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp phát triển các tuyến buýt; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp vận tải đầu tư nâng cấp phương tiện, cải thiện chất lượng và mở rộng vùng phục vụ của xe buýt; nghiên cứu đầu tư, đổi mới, cải tạo đồng bộ và hợp lý hóa hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Thành Trung,
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/khuyen-khich-phat-trienvan-taikhach-bang-xe-buyt-20258da/