Khuyến sinh kịp thời

Khuyến sinh kịp thời
13 giờ trướcBài gốc
Đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng không kỷ luật các trường hợp sinh con thứ ba trở lên đã được nhiều lần đặt ra trên các diễn đàn của Quốc hội thời gian qua. Theo nhiều quy định, trong đó có Nghị quyết Trung ương năm 2017 về chính sách dân số trong tình hình mới, trường hợp đảng viển sinh con thứ ba được xem là vi phạm chính sách dân số, có thể bị xem xét kỷ luật khiển trách, trừ một vài trường hợp cụ thể. Khi ấy, quy định này ra đời nhằm đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, chính sách về dân số, đồng thời hạn chế sinh để tránh bùng nổ dân số.
Theo quan điểm của các chuyên gia dân số, việc sửa đổi chính sách về dân số, đặc biệt là việc khuyến sinh hoàn toàn phù hợp với thực tế. Các phân tích cho thấy trước đây chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là hạn chế mức sinh cao, với khẩu hiệu đặt ra “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1-2 con”. Điều này đã giúp Việt Nam ngăn chặn thành công nguy cơ bùng nổ dân số. Tuy nhiên, trong nhiều thập niên qua thì chỉ có khoảng 4 năm Việt Nam duy trì được mức sinh thay thế, còn lại có tới 14 năm là ở dưới mức sinh thay thế. Nguyên nhân được chỉ ra là tuổi kết hôn tăng, tỉ lệ kết hôn giảm và xu hướng sinh con muộn hay thậm chí ngại sinh con đang là những yếu tố chính khiến Việt Nam không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Giờ đây, chủ trương không kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 được kỳ vọng sẽ góp phần tăng mức sinh thay thế trên cả nước. Đây được xem là quyết định nhân văn, nhằm khuyến sinh trước áp lực cuộc sống hiện tại.
Thống kê cho thấy Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo dự đoán, năm 2036 Việt Nam sẽ trở thành xã hội già với tỉ lệ người cao tuổi (trên 60) đạt 18%; và là xã hội siêu già vào năm 2050 với khoảng 25% người cao tuổi. Tỉ suất sinh năm 2023 vào khoảng 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Tốc độ gia tăng nhanh tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái. Cùng với áp lực về nguồn nhân lực, già hóa dân số cũng tạo nên những áp lực về an sinh xã hội rất lớn.
Chính sách khuyến khích mức sinh không chỉ nhằm đối phó với tình trạng suy giảm dân số mà còn là nền tảng quan trọng để phát triển xã hội bền vững. Tuy nhiên, đi kèm với đó cần những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần phải thay đổi nhận thức xã hội để khuyến khích sinh con, xóa bỏ tâm lý sợ sinh con. Thay đổi tư duy vai trò của nam giới, để việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm của cả hai vợ chồng, không phải là công việc của riêng người phụ nữ. Ngoài ra, cần định hướng giới trẻ về giá trị của gia đình và việc sinh con, để họ nhận thức việc sinh con là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân.
Tuy nhiên, việc không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3 không đồng nghĩa với cách hiểu là “mở hết biên độ”. Các cặp vợ chồng cần nhận thức rõ việc sinh con luôn song hành với việc đảm bảo điều kiện sống, chất lượng sống cho mọi trẻ em, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Hơn thế, việc giám sát quy định về cấm lựa chọn giới tính thai nhi lại càng cần phải làm chặt chẽ hơn. Tránh cách hiểu lệch lạc, đánh đồng rằng cho phép sinh con thứ 3 trở đi để các gia đình có đủ “nếp - tẻ” theo quan niệm cũ. Như thế, chẳng khác nào đi ngược lại với mục đích khuyến sinh mà chính sách dân số hướng tới.
Minh Quang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khuyen-sinh-kip-thoi-10300345.html