Giải pháp cấp thiết là cần những thay đổi tích cực về chính sách dân số, khuyến khích người dân sinh con.
Đồng hành với trẻ sinh non
Chào đời đã là một hành trình kỳ diệu nhưng đối với những trẻ sinh non, đó còn là một cuộc chiến sinh tồn. Với những em bé tí hon được ấp bằng phương pháp Kangaroo, sức sống càng mãnh liệt giữa lằn ranh sinh tử
Tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh của Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), những sinh linh bé bỏng chưa kịp sẵn sàng chào đời đang chiến đấu cho sự sống từng giây, từng phút. Cơ thể bé xíu chỉ nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay, làn da mỏng manh lộ rõ từng mạch máu nhỏ, trong khi xung quanh lại toàn dây truyền dịch, ống thở…
"Chiến binh tí hon" giành giật sự sống
1 giờ sáng, cả thành phố chìm trong giấc ngủ yên bình. Tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh, sự sống vẫn đang từng giây, từng phút được gìn giữ bằng cả tình yêu thương và sự kiên trì không mệt mỏi. Ánh đèn dịu nhẹ chiếu xuống những lồng ấp nhỏ, nơi các "thiên thần tí hon" đang vật lộn với từng nhịp thở. Lồng ngực nhỏ xíu phập phồng theo từng nhịp máy thở, tiếng bíp đều đều của máy theo dõi.
Giữa không gian ấy, điều dưỡng Văn Thị Tuyết Liểu cúi mình bên lồng ấp, đôi tay khéo léo luồn kim vào tĩnh mạch nhỏ như sợi tóc của em bé sinh non nặng 800 g vừa chào đời. "Ở đây, mỗi gam cân nặng đều là cuộc chiến" - chị Liểu thì thầm, đôi mắt không rời khỏi màn hình theo dõi nhịp tim. Sau đó, chị điều chỉnh thông số, kiểm tra nhịp thở, từng giọt sữa rồi tiếp tục di chuyển kiểm tra lồng ấp của một bé sơ sinh khác.
Suốt 14 năm gắn bó với Khoa Sơ sinh, chị Liểu và đồng nghiệp đã chứng kiến hàng ngàn em bé sinh non vật lộn với sự sống. Mỗi ca trực là chuỗi công việc không ngừng nghỉ - từ theo dõi máy thở, xử lý kịp thời khi bé ngưng thở đến xoay trở tư thế 2 giờ/lần để tránh loét da, massage kích thích tiêu hóa.
"Có những ca 3 - 4 bé cùng lúc gặp nguy kịch, bé thì ngưng thở, bé khác không đi cầu được, bé thì ói sữa liên tục. Lúc ấy phải bình tĩnh xử lý theo thứ tự ưu tiên, trong đó hô hấp luôn là số 1. Ở đây chỉ có hết giờ chứ không hết việc. Mỗi ca trực 8 giờ có khi không kịp ăn uống vì chỉ cần có sự thay đổi của các bé là mình phải có mặt để xử lý ngay. Mỗi giây chậm trễ có thể ảnh hưởng đến tính mạng các bé" - chị Liểu giải thích.
Mỗi bé sinh non là một “chiến binh” và bên em luôn có hơi ấm của cha mẹ cùng trái tim không biên giới của những y - bác sĩ
Công việc vất vả là vậy nhưng với chị Liểu, mỗi bé sinh non là một câu chuyện về nghị lực sống. "Những "chiến binh tí hon" có sức sống mãnh liệt hơn ta tưởng. Chúng tôi, những điều dưỡng may mắn được trở thành người đồng hành với các bé vượt qua giai đoạn thử thách đầu đời" - chị Liểu mỉm cười chia sẻ.
Hơn 19 năm đồng hành với bé sinh non, hơn ai hết, điều dưỡng Nguyễn Thị Ánh Hồng hiểu được những khó khăn của bé sinh non khác với bé sinh đủ ngày tháng như thế nào. Chị cho biết những bé sinh non là những chiến binh thực thụ. Các bé phải học cách thở, cách bú, thậm chí học cả cách... sống. Mỗi gam cân nặng của bé đều đong đầy mồ hôi của điều dưỡng và nước mắt của cha mẹ.
Công việc của chị Hồng và đồng nghiệp là chuỗi nhiệm vụ khắt khe, không chỉ chăm sóc các bé mà còn hướng dẫn cha mẹ từ cách bế, ấp Kangaroo đến nhận biết dấu hiệu nguy hiểm của con dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Theo chị Hồng, áp lực lớn nhất với điều dưỡng sơ sinh không phải là kỹ thuật cao mà là việc đồng hành với cha mẹ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Có nhiều người mẹ lần đầu nhìn thấy con đã khóc không ngừng. Có người mẹ trầm cảm sau khi chăm sóc con được 2 ngày phải gửi con lại khoa để đi điều trị tâm lý.
"Vì vậy, chúng tôi phải luôn động viên, tận tình theo sát các mẹ. Trước hết, phải vững tâm lý, một người mẹ run tay vì sợ hãi, con cũng sẽ cảm nhận được. Đặc biệt, tâm lý vững vàng sẽ giúp con an tâm hơn" - chị Hồng kể lại.
Với kinh nghiệm luân phiên giữa khu hồi sức tích cực và phòng Kangaroo, chị Hồng khẳng định những bé được áp dụng da kề da sớm có sức bật phi thường. Có bé sinh ra chỉ 600 g đã lớn lên khỏe mạnh chỉ nhờ bám vào hơi ấm của mẹ. "Đây là niềm động viên lớn nhất với tôi và các đồng nghiệp. Nhìn các bé khỏe mạnh, mọi áp lực, khó khăn của công việc không chỉ tan biến mà còn tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục trên hành trình đặc biệt này" - chị trải lòng.
Lớn lên từ hơi ấm yêu thương
Sau quá trình hồi sức, khi đã vượt qua giai đoạn bệnh lý, không có dấu hiệu suy hô hấp sau sinh, không có biểu hiện bệnh lý và tự bú mẹ được hoặc ăn qua ống thông dạ dày…, trẻ sẽ được thực hiện Kangaroo dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Hành trình làm mẹ của chị Nguyễn Thị Huyền (34 tuổi, ở Đồng Nai) là chuỗi ngày dài thử thách khi 3 lần thụ tinh nhân tạo thất bại, 2 lần sẩy thai đầy đau đớn. Năm 2019, vợ chồng chị bắt đầu hành trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Lần chuyển phôi đầu tiên đầy hy vọng nhưng niềm vui chưa trọn vẹn đã vụt tắt. Năm 2020, họ tiếp tục thử nghiệm lần 2 nhưng không kịp đến bệnh viện.
Trẻ sinh cực non được chăm sóc tại Đơn vị Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những lần thất bại liên tiếp khiến chị Huyền rơi vào khủng hoảng, mất niềm tin. Bốn năm sau, chị mới đủ dũng khí thử IVF lần 3. Đầu năm 2024, chị chuyển phôi với kết quả khả quan. Tuy nhiên, đến tuần thứ 9, thai ngừng phát triển. Một lần nữa, gia đình chị chìm trong đau đớn.
Tưởng chừng giấc mơ làm cha mẹ đã khép lại, vợ chồng chị Huyền quyết định tạm gác kế hoạch sinh con, tập trung chăm sóc bản thân. Họ thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Hai tháng sau, khi chưa thấy kinh nguyệt trở lại, chị thử thai và bất ngờ phát hiện mình mang thai tự nhiên - điều mà vợ chồng chị không dám mong ước sau bao năm vật lộn với IVF.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp trọn vẹn, thai kỳ của chị Huyền đối mặt nhiều biến chứng. Bé chào đời ở tuần 28 - non tháng, cân nặng chỉ 1,2 kg. Đối mặt nhiều nguy cơ như suy hô hấp, khả năng nhiễm trùng cao nên bé được chuyển đến khu hồi sức sơ sinh. "Lần đầu nhìn thấy con bé xíu trong lồng kính, gắn đầy dây truyền, ống thở, tim tôi vỡ vụn" - chị nghẹn ngào.
Khi bé đạt 1,5 kg, các bác sĩ đã hướng dẫn vợ chồng chị Huyền áp dụng phương pháp Kangaroo. Những ngày đầu, 2 vợ chồng thay phiên ôm ấp con 24/24 giờ, không dám chợp mắt, sợ con sẽ ngừng thở bất kỳ lúc nào. Đến nay, sau hơn 2 tháng, bé đã tăng lên 2,8 kg. Từ phụ thuộc ô xy nay bé đã có thể tự thở khí trời, có phản ứng với ánh sáng, nhận biết giọng nói cha mẹ và đang tập bú mẹ…
Trong khi đó, chị Phan Trần Thúy Ngân (33 tuổi, ở Phú Yên) vẫn không thể quên ngày định mệnh khi con gái chị chào đời ở tuần thai thứ 27, nặng vỏn vẹn 900 g. "Tôi được chuyển cấp cứu từ Phú Yên vào Bệnh viện Từ Dũ vì bệnh viện tỉnh không đủ điều kiện chăm sóc trẻ non tháng. Lần đầu nhìn con nằm trong lồng kính, người đỏ hỏn, gắn đầy dây, tôi chỉ biết khóc" - chị Ngân nhớ lại.
20 ngày dài đằng đẵng trôi qua trước khi được gặp con, chị Ngân sống trong thấp thỏm lo âu. Mỗi ngày chị đều đặn gửi sữa vào khoa, tin tức về con chỉ nhận được qua lời bác sĩ. "Có đêm mơ thấy con khóc, tỉnh dậy áo ướt đẫm nước mắt" - chị rưng rưng.
Khi bé đạt 1 kg, các bác sĩ bắt đầu hướng dẫn vợ chồng chị Ngân phương pháp Kangaroo, từ cách rửa tay vô trùng trước khi chạm vào con đến thay tã, tập đặt sonde dạ dày, từng lần đi tiểu, từng cái ợ hơi, từng nhịp thở… Những ngày sau đó, chị và chồng thay phiên nhau "ấp con" 24/24 giờ. Lần đầu ôm con vào lòng, chị mừng run đến mức không dám thở mạnh. Con bé xíu như búp bê, da căng bóng vì non nớt.
Từ em bé 900 g yếu ớt, sau 3 tuần được chăm sóc Kangaroo, Suka (tên ở nhà) đã tăng lên 1 kg. "Con biết phản ứng khi nghe giọng bố mẹ, thỉnh thoảng còn cười nữa" - chị Ngân hạnh phúc khoe.
Điều khiến chị Ngân xúc động nhất là sự hỗ trợ từ các y - bác sĩ. Họ không chỉ chăm sóc con chị mà còn là chỗ dựa tinh thần mỗi khi vợ chồng chị gặp khó khăn. Với chị, mong ước duy nhất bây giờ chỉ cần con khỏe mạnh, ăn bú giỏi. Mỗi ngày thấy con thay đổi một chút là chị đã cảm thấy hạnh phúc.
15 triệu trẻ sinh non mỗi năm
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non. Nếu được hỗ trợ can thiệp y tế sớm, 3/4 trong số những đứa trẻ này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh. Còn theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 100.000 - 110.000 trẻ chào đời non tháng và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau khi sinh.
Bộ Y tế cho biết tỉ lệ tử vong sơ sinh chiếm 71% trong số trẻ dưới 1 tuổi và 60% ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân là do sinh non, nhẹ cân, ngạt, chấn thương sau khi sinh, dị tật, nhiễm khuẩn... Trong đó, nguyên nhân do sinh non, nhẹ cân chiếm 25%.
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, thông tin: Mỗi ngày, bệnh viện có 220 trường hợp trẻ cần chăm sóc hồi sức sơ sinh. Trong đó, có những trẻ sinh cực non, từ 24 - 28 tuần. Bệnh viện vừa đưa vào hoạt động Đơn vị Hồi sức sơ sinh đạt chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, sẽ góp phần tăng tỉ lệ cứu sống trẻ sơ sinh non tháng. Tỉ lệ nuôi sống trẻ non tháng tại bệnh viện đã tăng theo từng năm, đặc biệt ở nhóm trẻ sinh dưới 26 tuần từ 25% vào năm 2018 đã tăng lên 47% năm 2023.
(Còn tiếp)
HẢI YẾN