Kịch bản mới cho nền kinh tế

Kịch bản mới cho nền kinh tế
8 giờ trướcBài gốc
Để thúc đẩy tăng trưởng, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong ảnh: Xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Toàn
Kịch bản mới
Một sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 khi trong vòng chưa đầy nửa tháng, đã có hai Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương được tổ chức: hôm 5/7 họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp cho 6 tháng cuối năm; hôm 16/7 thảo luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Và giữa hai hội nghị, có sự khác biệt khá lớn về mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm. Nếu ở hội nghị trước, Chính phủ xác định phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là tốc độ tăng trưởng cả năm đạt “8% trở lên”, thì ở hội nghị sau, mục tiêu phấn đấu là “tăng trưởng 8,3-8,5%” - rõ ràng hơn, cụ thể hơn và cao hơn so với con số chung chung trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khi báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của quý III, quý IV và cả năm 2025. Theo đó, với kịch bản 1 (tăng trưởng GDP cả năm đạt 8%), thì tăng trưởng quý III phải đạt 8,3%, còn quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản đưa ra tại Nghị quyết 154/NQ-CP 0,1 điểm phần trăm).
Còn với kịch bản 2 (tăng trưởng GDP cả năm đạt 8,3-8,5%), thì tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản của Nghị quyết 154/NQ-CP 0,6-0,9 điểm phần trăm); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn 0,7-1,1% điểm phần trăm). “Các kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lý giải.
Với kịch bản 1, các động lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm được xác định bao gồm tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng khoảng 12% trở lên; còn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2025 tăng 16% trở lên.
Trong khi đó, với kịch bản 2, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) tăng 13% trở lên, còn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 17% trở lên.
Đưa ra 2 kịch bản, nhưng Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên. Kiến nghị này đã được Chính phủ chấp thuận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, đã nhấn mạnh việc phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm.
Không thể không làm
Dù nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2025, với tăng trưởng GDP đạt 7,52%, nhưng mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay luôn được khẳng định là “một thách thức lớn”. Bởi thế, câu hỏi đặt ra là, mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% liệu có khả thi?
Và câu trả lời được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đó là: “Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3-8,5% trong năm 2025 là không thể không làm và cũng không phải là mục tiêu bất khả thi”.
Nếu “không thể không làm” thì giải pháp sẽ là gì? “Phải tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược, ‘bộ tứ trụ cột’; thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 và từ 10% trở lên năm 2026”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Thông tin cho biết, một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 25/NQ-CP sẽ được ban hành. Tại nghị quyết này, các mức “khoán tăng trưởng” mới sẽ được giao cho các địa phương và cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chẳng hạn, Hà Nội phải tăng trưởng 8,5% (cao hơn 0,5 điểm phần trăm), TP.HCM tăng trưởng 8,5% (cao hơn 0,4 điểm phần trăm), Quảng Ninh tăng trưởng 12,5% (cao hơn 1 điểm phần trăm), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5 điểm phần trăm)…
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều dư địa tăng trưởng. Đó là lý do gần đây, nhiều tổ chức đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2025. Chẳng hạn, CitiGroup nâng từ 6,6% lên 7%; Maybank nâng lên 7,3%... Ngân hàng UOB cũng nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6% lên 6,9%, sau khi khẳng định tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II vượt xa dự báo.
“Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2011”, các chuyên gia của UOB nhận định và cho rằng, mức tăng trưởng vượt trội của Việt Nam trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu - được thúc đẩy trước thời hạn áp thuế.
Nhấn mạnh những tín hiệu tích cực từ chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam và sau khi tính đến các tác động đối với sản xuất cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài, UOB ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III và quý IV đạt khoảng 6,4%, còn cả năm sẽ tăng thêm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng BIDV cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 7,5-7,7% (kịch bản cơ sở) và 7,8-8,1% (kịch bản tích cực)…
Xu hướng tích cực là có. Bộ Tài chính, khi trình báo cáo lên Chính phủ, đã nhấn mạnh những thuận lợi, thời cơ cho nền kinh tế đến từ những quy định mới, đột phá, “cởi trói, khơi thông nguồn lực” cho nền kinh tế; từ các động lực mới như “bộ tứ trụ cột”; từ việc chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2025, là cơ sở để các địa phương tập trung khai thác không gian phát triển mới; từ những cơ hội khi mà các mùa tiêu dùng quốc tế và trong nước được đẩy mạnh trong nửa cuối năm…
Tuy vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn đầu tư toàn xã hội nói chung, thúc đẩy tiêu dùng, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu… Cùng với đó, rất quan trọng là tiếp tục thực hiện “khoán tăng trưởng với các địa phương”.
“Các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Hà Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/kich-ban-moi-cho-nen-kinh-te-d334034.html