Tăng trưởng 6 tháng cao nhất kể từ năm 2011
- Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt 7,52%, đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối diện với nhiều thách thức. Bà đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng trên?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2025 tăng 7,96%, tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 7,52%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 tới nay.
Theo tôi, tăng trưởng GDP 6 tháng của Việt Nam là kết quả của sự phục hồi và phát triển đồng bộ của các khu vực kinh tế, được thúc đẩy bởi chính sách vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư công, FDI, sự phục hồi của nhu cầu nội địa và khả năng khai thác hiệu quả các lợi thế hội nhập kinh tế quốc tế. Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cung và cầu đã tạo nên động lực tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, từ góc độ sản xuất, hầu hết các hoạt động sản xuất đều duy trì được sự ổn định và tăng trưởng khá; mức độ tăng trưởng khá đồng đều giữa các khu vực kinh tế, các loại hình kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê - Bộ Tài chính. Ảnh: Nguyễn Hòa
Cụ thể, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, thị trường và giá cả sản phẩm ổn định. Sản xuất công nghiệp và xây dựng là động lực đáng kể của tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng.
Trong khi đó, các ngành dịch vụ thị trường hỗ trợ chủ yếu cho sản xuất, xuất khẩu và du lịch như: Vận tải, kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hành chính và dịch vụ hỗ trợ 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá mạnh.
Từ góc độ sử dụng, tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng được hỗ trợ tích cực từ cả tiêu dùng, tích lũy và xuất nhập khẩu. Trong đó, tiêu dùng cuối cùng tăng khá cao trong 5 năm gần đây với sự ổn định của tiêu dùng của hộ gia đình và gia tăng mạnh chi tiêu dùng của nhà nước. Du lịch tiếp tục tăng mạnh cả ở du lịch nội địa và khách quốc tế. Nhiều chương trình kích cầu du lịch được triển khai ở cả cấp quốc gia và địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến VN tăng 20,7% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm không chỉ thúc đẩy ngành công nghiệp và xây dựng mà còn thiết lập nền tảng để gia tăng năng lực sản xuất tổng thể của nền kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra, dòng vốn FDI tăng mạnh, hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra rất sôi động. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Sự tăng trưởng này phản ánh nỗ lực tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với hàng hóa Việt Nam vẫn khá tốt.
- Với kết quả tăng trưởng 7,52% trong 6 tháng đầu năm, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, các quý tiếp theo GDP cần tăng trưởng ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Tại kỳ báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2025, sau khi có kết quả ước tính quý I và đánh giá các dư địa cho tăng trưởng các quý tiếp theo, Cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng mục tiêu 8% cho cả năm. Cụ thể, quý I/2025 tăng 6,93%, quý II/2025 tăng 8,19%, 6 tháng đầu năm tăng 7,58%, quý III tăng 8,27%, quý IV tăng 8,46%, cả năm tăng 8%.
Như vậy tính chung 6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52% đã xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý I/2025. Điều này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần cho mục tiêu tăng trưởng 8%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, 6 tháng cuối năm cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, thực hiện đồng bộ, linh hoạt và kịp thời các giải pháp, chính sách phát triển kinh tế.
6 tháng đầu năm, kết quả tăng trưởng GDP đạt 7,52%. Ảnh minh họa
Động lực lớn từ đầu tư công và tiêu dùng
- Vậy theo bà, đâu là dư địa tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III và IV/2025?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo quan điểm của tôi, đầu tư công sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm. Bởi chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, nhằm hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công, sẽ tạo dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.
Đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như: Các tuyến đường bộ cao tốc, cảng hàng không, các dự án vành đai đô thị lớn, dự án năng lượng.
Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sẽ là động lực then chốt, mang vai trò chiến lược và sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.
Tăng trưởng tín dụng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 16%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế trong năm 2025 sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% có hiệu lực từ 1/7/2025 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước...
Sản xuất công nghiệp và xây dựng là động lực đáng kể của tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa
- Mặc dù cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là khả thi, song thách thức tăng trưởng vẫn rất lớn. Vậy chúng ta cần làm gì để hóa giải những thách thức và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, thưa bà?.
Bà Nguyễn Thị Hương: Bạn nói đúng, mặc dù đạt được kết quả khá tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm nhưng kinh tế nước ta đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ yếu tố bên ngoài lẫn nội tại.
Trong bối cảnh đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, những tháng cuối năm, Việt Nam cần tiếp tục duy trì môi trường vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân.
Đặc biệt, cần theo dõi sát diễn biến giá cả thế giới, đặc biệt là giá năng lượng, lương thực để có biện pháp ứng phó kịp thời. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra (dưới 4,5%). Ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là mục tiêu then chốt, cần thực hiện mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trong công nghệ số, sinh học, vật liệu mới, tự động hóa; kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề và kỹ năng số đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.
Thúc đẩy giải ngân và hiệu quả đầu tư công là động lực quan trọng nhất, cần tiếp tục được ưu tiên hàng đầu. Phải quyết liệt tháo gỡ mọi nút thắt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước. Đảm bảo giải ngân tối đa hướng tới mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu.
Kích cầu xuất khẩu và khai thác tối đa lợi thế FTA. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức hai con số để đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, minh bạch hóa chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút và nâng cao chất lượng vốn FDI…
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính: Với kết quả tăng trưởng GDP 7,52% trong 6 tháng năm 2025, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm, 6 tháng cuối năm GDP Việt Nam cần đạt mức tăng trưởng 8,42%.
Nguyễn Hòa (thực hiện)