Chỉ số VN-Index mở đầu tháng 5 với diễn biến giao dịch khá tích cực. Ảnh: LÊ VŨ
Hiệu ứng tháng 5 ngày càng mờ nhạt?
Sau khi giảm 6,2% trong tháng 4-2025, chỉ số VN-Index mở đầu tháng 5 với diễn biến giao dịch khá tích cực, khi tăng gần 14 điểm, tương đương tăng 1,1% trong phiên giao dịch đầu tuần này (5-5-2025). Khối lượng giao dịch thấp cho thấy dòng tiền vẫn đang thận trọng, đáng chú ý là động thái bán ròng khá lớn từ khối tự doanh của các công ty chứng khoán với giá trị gần 510 tỉ đồng.
Không ít nhà đầu tư cảm thấy hứng khởi khi hệ thống giao dịch mới KRX đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 5-5, kết nối thông suốt và ổn định. Hệ thống mới được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường, mở rộng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ, đồng thời tạo nền tảng hiện đại hóa toàn diện cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Hiệu ứng “Sell in May - Bán tháng 5” dù có thể vẫn gây lo ngại cho các nhà đầu tư, nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy hiệu ứng này ngày càng mờ nhạt. Kết quả thống kê cho thấy mức tăng trưởng bình quân của chỉ số VN-Index trong tháng 5, giai đoạn 2001-2024, là 1,7% - một kết quả tương đối tốt so với các tháng 7, tháng 9 và tháng 10. Đặc biệt, trong hai năm gần nhất 2023 và 2024, chỉ số VN-Index lần lượt đạt mức tăng trưởng 3,6% và 5,2%.
Kết quả thống kê cho thấy mức tăng trưởng bình quân của chỉ số VN-Index trong tháng 5, giai đoạn 2001-2024, là 1,7% - một kết quả tương đối tốt so với các tháng 7, tháng 9 và tháng 10. Đặc biệt, trong hai năm gần nhất là 2023 và 2024, chỉ số VN-Index lần lượt đạt mức tăng trưởng là 3,6% và 5,2%.
Thị trường cũng đang đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực, một trong số đó là Nghị định 69/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 19-5-2025. Một trong những điểm đáng chú ý là về tỷ lệ sở hữu - dù vẫn quy định mức trần ở 30%, nhưng trong các trường hợp đặc biệt như TCTD yếu kém hoặc ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được nâng lên tối đa ở mức 49% theo phương án chuyển giao đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Nghị quyết 68-NQ/TW mới đây về phát triển kinh tế tư nhân, xác định vai trò, các mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát huy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu đề ra là đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/ngàn dân và có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2050, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động; đóng góp trên 60% GDP. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, nghị quyết đưa ra tám nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt là giải pháp thứ 2 “bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân” và giải pháp thứ 3 “tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực (đất đai, vốn, nhân lực)”.
Tâm điểm là các cuộc đàm phán thương mại
Dù vậy, kịch bản với TTCK trong tháng 5 thật sự khó lường, và có lẽ sẽ dao động theo tiến độ và kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Được biết sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Việt Nam đã sớm thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ, làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp lớn xuất khẩu sang Mỹ.
Kết quả là cùng với Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, Việt Nam là một trong sáu nước được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán và bắt đầu đàm phán với Mỹ, dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 7-5. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi tin tức xoay quanh kết quả các vòng đàm phán này trong thời gian tới, khi đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế tổng thể mà còn đến TTCK.
Thực tế cho thấy những thông báo về thuế quan của Mỹ, dù sau đó đã được hoãn lại để có thêm thời gian đàm phán, cũng đã khiến ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm trong tháng 4, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global rớt trở lại về dưới ngưỡng 50 điểm, khi chỉ đạt 45,6 điểm. Báo cáo cũng cho thấy các điều kiện kinh doanh đã xấu đi với mức độ lớn nhất kể từ tháng 5-2023.
Đáng lưu ý, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm mạnh, trong khi niềm tin kinh doanh giảm xuống mức thấp của 44 tháng khi có những lo ngại về ảnh hưởng tiếp theo của thuế quan lên sản lượng trong tương lai. Tình trạng nhu cầu yếu khiến các công ty tiếp tục giảm giá bán hàng, trong khi chi phí đầu vào tăng nhẹ.
Còn theo các chuyên gia phân tích, việc Mỹ áp thuế đối ứng không chỉ gây ra bất ổn, rủi ro cho thương mại thế giới mà còn gây ra khó khăn cho chính thị trường Mỹ. Tình trạng bất ổn thương mại và kinh tế khiến cho người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu, ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả kinh doanh.
Nhiều tập đoàn của Mỹ, như Apple và Nike, đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế trong giai đoạn 2018-2023. Nay nếu Việt Nam bị đánh thuế 46% có thể làm gián đoạn hoạt động của các công ty này, do đó họ có thể gây áp lực lên Chính phủ Mỹ để sớm có kết quả đàm phán với Việt Nam. CEO Apple Tim Cook trong báo cáo tài chính mới đây cho biết phần lớn iPhone được bán tại Mỹ trong quí này sẽ đến từ Ấn Độ, trong khi “gần như tất cả” các thiết bị khác của công ty được bán tại Mỹ trong cùng giai đoạn sẽ đến từ Việt Nam, bao gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods.
Cuối cùng, tuy Việt Nam là đối tác có thặng dư thương mại cao nhưng không phải là “đối thủ chiến lược” như Trung Quốc, nên Mỹ có lẽ cũng muốn duy trì Việt Nam như một điểm đến thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Nike hay Intel... Một thỏa thuận ổn định thương mại với Việt Nam sẽ giúp ổn định dòng đầu tư FDI của các doanh nghiệp Mỹ - điều có lợi cho nền kinh tế Mỹ.
Triêu Dương