Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất vào Mỹ.
Dựa theo những phát ngôn trong giai đoạn tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch áp thuế 10-20% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu, và 60% lên mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cá da trơn (bao gồm cá tra) là loại cá phổ biến thứ 3 được nhập khẩu vào Mỹ, và Việt Nam là đối tác xuất khẩu cá tra lớn nhất của Mỹ hiện nay.
Do đó, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể sẽ tác động đa chiều lên hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu có thể tăng mạnh trong ngắn hạn do các khách hàng gia tăng nhập hàng trước các lo ngại liên quan tới thay đối chính sách thuế quan, rồi biến động tùy theo độ bất lợi của chính sách thuế.
Chứng khoán Bảo Việt đã chỉ ra 3 yếu tố có thể tác động lên hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian tới, gồm: nguồn cung cá rô phi Trung Quốc, nguồn cung cá minh thái Nga, và nguồn cung cá thịt trắng nội địa của Mỹ.
Tương quan thị phần cá tra Việt Nam và các rô phi Trung Quốc trong tổng lượng thủy sản được nhập khẩu vào Mỹ hàng năm. (Nguồn: NOAA, Chứng khoán Bảo Việt)
Cụ thể, nếu cá rô phi của Trung Quốc bị đánh mức thuế 60% thì cá tra sẽ có lợi thế hơn cá rô phi Trung Quốc. Cá rô phi là loài cá phổ biến thứ nhì tại Mỹ, và Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất cho Mỹ (67% tổng sản lượng cá rô phi nhập khẩu vào Mỹ).
Nguồn cung cá rô phi của Trung Quốc trong năm nay tương đối thấp do người nuôi thua lỗ kéo dài khi thị trường biến động mạnh khiến người dân không muốn tiếp tục nuôi. Đồng thời, thời tiết bất lợi, bao gồm việc bão Yagi đổ bộ vào các khu vực phía Nam Trung Quốc, đã tác động xấu đến các vùng nuôi. Điều này khiến giá cá rô phi xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, giảm khả năng cạnh tranh với cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Theo Chứng khoán Bảo Việt, nếu tình hình nguồn cung không thay đổi, việc Trung Quốc có thể phải hứng chịu thêm thuế nhập khẩu sẽ khiến sức cạnh tranh của cá rô phi Trung Quốc tiếp tục giảm so với cá tra Việt Nam.
Tương quan một số loại giá cá thịt trắng/cá thay thế cá thịt trắng nhập khẩu vào Mỹ (USD/kg). (Nguồn: NOAA, Chứng khoán Bảo Việt)
Bên cạnh đó, Mỹ đang có động thái gia tăng nhập khẩu cá rô phi từ Brazil, khiến thị phần cá rô phi Trung Quốc tại nước này suy yếu. Cụ thể, Mỹ đã bãi bỏ yêu cầu Chứng nhận kiểm dịch đối với cá rô phi ướp lạnh, và kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi lượng cá rô phi ướp lạnh Brazil nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2025 (ước tính là 25.000 tấn).
Đối với nguồn cung cá minh thái từ Nga, trong giai đoạn tranh cử, ông Donald Trump thường xuyên nhắc đến khả năng kết thúc viện trợ của Mỹ cho Ukraine và cam kết nhanh chóng chấm dứt xung đột quân sự Nga - Ukraine. Cuộc xung đột này cũng là nguyên nhân khiến Mỹ cấm nhập khẩu cá minh thái Nga từ tháng 2/2022. Các sản phẩm cá minh thái chế biến tại nước thứ ba cũng bị cấm nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 12/2023.
Nếu cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine chấm dứt, Mỹ hoàn toàn có thể nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ lệnh cấm đối với cá minh thái Nga. Lượng thủy sản từ Nga hoặc của Nga nhưng chế biến ở nước thứ ba sẽ rộng cửa quay trở lại nước Mỹ, gia tăng sự cạnh tranh đến cá tra Việt Nam.
Cuối cùng, đối với nguồn cung nội địa Mỹ, Mỹ có khả năng khai thác cá minh thái nội địa, vốn là sản phẩm thay thế của cá tra. Mỹ đã hoàn thành khai thác cá minh thái mùa B vào tháng 10/2024 tương đối thành công, nâng tổng số cá khai thác được cả năm lên tới gần mức trần là 1,495 triệu tấn. Nguồn cung dồi dào cũng là yếu tố đáng chú ý, tác động lên tính cạnh tranh của các loại cá thịt trắng khác.
Duy Quang