Kịch bản sân khấu hiện nay vẫn cũ mòn, nhàm chán

Kịch bản sân khấu hiện nay vẫn cũ mòn, nhàm chán
8 giờ trướcBài gốc
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà viết kịch Lê Quý Hiền khẳng định, kịch bản là khâu đầu tiên, có vị trí quan trọng trong vở diễn sân khấu. Nhìn vào thực tế kịch bản sân khấu hiện nay, bên cạnh những kịch bản thành công còn không ít kịch bản cũ mòn một mô típ, nhàm chán. Nhiều kịch bản chỉ thấy chuyện, không thấy người, như kể chuyện bằng lời thoại, minh họa một truyện ngắn, một bài báo phóng sự. Tại nhiều liên hoan, cuộc thi, các đơn vị sân khấu thường chọn dàn dựng những kịch bản cũ, đã từng được dàn dựng nhiều lần…
Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết để của các văn nghệ sĩ Thủ đô. Ảnh: Thụy Du
Nguyên nhân dẫn tới những bất cập trên theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, phần nhiều do các tác giả thiếu thực tế đời sống; đội ngũ tác giả lớn tuổi nhiều, sức khỏe, sức sáng tạo suy giảm; đội ngũ các tác giả mới ít; thiếu những kịch mục đa dạng, đặc biệt hiếm hoi kịch bản đề tài hiện đại, phản ánh về cuộc sống đương thời...
“Hiện sân khấu ít nhiều có hiện tượng các đơn vị khoán trắng cho đạo diễn tìm kịch bản, mời đạo diễn trước khi có kịch bản thay vì có kịch bản mới mời đạo diễn thích hợp với kịch bản. Tình trạng này dẫn đến đạo diễn và tác giả không hiểu nhau, nhiều khi đạo diễn không tìm được “chìa khóa” mở kịch bản; tự sửa chữa, cắt xén tưởng rằng hay hơn”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nêu thực trạng.
Tại tọa đàm, các ý kiến tham luận đi sâu phân tích và làm sáng tỏ những vấn đề của kịch bản sân hiện nay từ vai trò, chủ đề, cốt truyện của kịch bản; các yếu tố tác động đến kịch bản như trại sáng tác và đi thực tế, giải thưởng, đội ngũ biên kịch… đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề tồn tại của kịch bản sân khấu.
Đạo diễn Đường Minh Giang cho rằng, tác giả là nhân tố quan trọng nhất trong sáng tác kịch bản, nhưng hiện nay các tác giả lớn tuổi thì ít có điều kiện để cập nhật phương thức biểu diễn sân khấu mới, hiện đại để sáng tác phù hợp, còn tác giả trẻ thì nhiều lỗ hổng trong vốn hiểu biết về lịch sử và văn hóa truyền thống của nước nhà. Tác giả Trương Thị Huyền nêu thực trạng rằng, hầu hết biên kịch, tác giả kịch bản sân khấu đều làm việc tự do nên rất khó khăn trong việc xâm nhập thực tế sáng tác. Họ chủ yếu viết từ những câu chuyện qua sách báo, các phương tiện truyền thông nên dễ bị thiếu tính thực tế, thậm chí còn sai lệch…
Nhiều đại biểu đã đề xuất một số giải pháp như đơn vị sân khấu cần có kế hoạch xây dựng kịch mục để phục vụ đông đảo những nhu cầu đến với sân khấu của công chúng; tổ chức các chuyến đi thực tế, trại sáng tác thiết thực cho tác giả; xây dựng đội ngũ tác giả mới…
An Nhi
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/kich-ban-san-khau-hien-nay-van-cu-mon-nham-chan-685282.html