Từ đầu năm đến nay, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, KT-XH tỉnh Hòa Bình phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước.
Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Công thương khu vực phía Bắc - Hòa Bình năm 2024 đã góp phần kích cầu tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã.
6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh chỉ đạt 1,81%, nhưng trong 9 tháng con số này ước tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều tăng trưởng tốt. Cùng với nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế thì ngành công nghiệp có sự bứt tốc mạnh khi chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 19,33%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.031 triệu USD, tăng 15,09% so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, tình hình KT-XH còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, bão lũ, sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng đến KT-XH của tỉnh. Đặc biệt theo nhận định của Chính phủ, trong nước nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá còn biến động; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) trong một số lĩnh vực còn khó khăn...
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SX-KD, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo về nội dung này. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố… tập trung thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư, xây dựng các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch thực hiện quy hoạch chung của tỉnh. Ưu tiên quy hoạch, đầu tư các ngành, lĩnh vực có tính chất quan trọng, tiên phong, có sức lan tỏa thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển, gắn với thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh.
Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức SX-KD trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý; đặc biệt, tập trung hỗ trợ các tổ chức kinh doanh trong việc tiếp cận các nguồn lực: Thông tin, đất đai, tín dụng, lao động, thị trường, chính sách hỗ trợ sau đầu tư, xúc tiến thương mại, tham gia các chuỗi SX-KD... theo quy định của pháp luật.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức SX-KD mở rộng quy mô SX-KD; phát triển hệ thống phân phối sản phẩm trên cả hai kênh truyền thống và hiện đại. Hỗ trợ các doanh nghiệp SX-KD cắt giảm các chi phí logictis, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xã và tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực một cách thực chất, hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu.
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Công Thương kiểm soát tốt thị trường, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động tiêu thụ hàng hóa; tăng cường kết nối vùng, miền để trao đổi tiềm năng, thế mạnh, trong đó chú trọng kết nối về logistics, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lưu thông.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, trong đó chú trọng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chỉ đạo, hướng dẫn các hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là dịp cuối năm…
Đối với Sở NN&PTNT, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực thực phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp/hộ nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh làm cơ sở để giới thiệu, quảng bá và tạo sức cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản tham gia các hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường; tham gia các chương trình hợp tác, liên kết, chương trình kết nối giao thương với các doanh nghiệp tỉnh bạn để các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm đối tác khách hàng tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước…
Bình Giang