Sự kiện do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, quy tụ đông đảo lãnh đạo Trung ương, địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ và hơn 100 hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu biểu từ các tỉnh vùng cao. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm trong chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế số toàn diện.
Liên kết để tạo đột phá
Dù thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tiêu dùng nội địa và kết nối thị trường, song theo Bộ Công Thương, sự chênh lệch giữa các vùng, miền vẫn đáng kể. Tại các đô thị lớn, hệ sinh thái thương mại điện tử đã hình thành tương đối hoàn chỉnh; trong khi đó, nhiều tỉnh vùng cao vẫn gặp khó do thiếu hạ tầng công nghệ, nhân lực và thói quen kinh doanh truyền thống.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Lê Hoàng Oanh – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – khẳng định thương mại điện tử là “cầu nối số” quan trọng, giúp các địa phương phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong thời đại chuyển đổi số. “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu. TMĐT chính là một trong những trụ cột thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt ở những khu vực còn gặp nhiều rào cản như vùng Trung du và miền núi phía Bắc”, bà Oanh nhấn mạnh.
Tại lễ khai mạc, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng như Shopee, TikTok Việt Nam, cùng đại diện các Sở Công Thương từ Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Điện Biên. Các biên bản hợp tác nhằm tăng cường đào tạo kỹ năng số, hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại điện tử và quảng bá sản phẩm địa phương qua nền tảng số.
Công nghệ số "đánh thức" tiềm năng bản địa
Tại hội nghị, bốn nhóm giải pháp chiến lược đã được đề xuất nhằm kiến tạo hệ sinh thái thương mại điện tử vùng vững mạnh, hướng đến mục tiêu “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, tạo đòn bẩy giúp hộ kinh doanh vùng cao hội nhập sâu vào nền kinh tế số quốc gia.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ thương mại điện tử vùng cao;
Ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc và bảo vệ thương hiệu địa phương;
Phát triển hạ tầng logistics số tại vùng sâu vùng xa;
Nâng cao năng lực số tại chỗ thông qua đào tạo, tập huấn sát thực tế.
Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động tương tác và trình diễn công nghệ đã được tổ chức, trong đó nổi bật là Triển lãm thương mại điện tử với hơn 50 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản và các mô hình công nghệ số phục vụ sản xuất – kinh doanh tại vùng cao. Đặc biệt, phiên Mega Livestream trên TikTok Shop đã mang các sản phẩm đặc trưng vùng cao đến gần hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc, góp phần tăng cường kết nối cung – cầu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao nhận diện thương hiệu địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Với 222 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, Lai Châu đang dần khẳng định vị thế là vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tuy nhiên, để sản phẩm vùng cao vươn xa, công nghệ số chính là chìa khóa then chốt.” Tỉnh cũng đang từng bước khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nhân lực và thói quen kinh doanh nhờ sự đồng hành của các đối tác công nghệ lớn và sự dẫn dắt chính sách từ Trung ương.
Chuỗi sự kiện kéo dài hai ngày (24–25/5) bao gồm nhiều hoạt động thiết thực: hội nghị, hội thảo chuyên đề, triển lãm sản phẩm và công nghệ với hơn 50 gian hàng, các lớp tập huấn kỹ năng số, phiên livestream trực tuyến kết nối người bán – người mua và quảng bá sản phẩm vùng cao trên TikTok Shop.
Đây không chỉ là diễn đàn trao đổi chính sách mà còn là “sân chơi thực hành” để các hợp tác xã, hộ kinh doanh và startup vùng cao học hỏi kinh nghiệm, thử nghiệm công cụ, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động thương mại điện tử.
Hương Trang