Giếng trời là gì?
Giếng trời là khoảng không gian thông từ tầng trệt đến mái theo phương thẳng đứng, có tác dụng lấy sáng, đón gió từ trên cao xuống tầng dưới.
Giếng trời được chia làm 3 phần, đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng. Đáy giếng là phần dưới cùng, thường được bố trí cảnh quan, trồng cây xanh... Thân giếng kéo dài xuyên suốt ngôi nhà. Đỉnh giếng là phần cao nhất, cũng là vị trí quan trọng nhất quyết định ánh sáng của ngôi nhà.
Kích thước giếng trời bao nhiêu hợp lý?
Theo các kiến trúc sư, kích thước giếng trời linh động, tùy thuộc vào diện tích và độ cao của ngôi nhà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với nhà có nhiều cửa sổ, kích thước giếng trời không vượt quá 5% diện tích mặt sàn.
Với những ngôi nhà ít cửa sổ, kích thước giếng trời không vượt quá 15% diện tích mặt sàn. Bởi, khi thiết kế nhiều cửa sổ, ngôi nhà lấy được nhiều ánh sáng bên ngoài, không cần giếng trời quá lớn. Ngược lại, nhà có ít cửa sổ, bí bách, giếng trời lấy nhiều ánh sáng hơn.
Kích thước giếng trời phụ thuộc vào diện tích và độ cao của ngôi nhà. (Ảnh: SBS House)
Diện tích tối thiểu của giếng trời khoảng từ 4 - 6m2. Diện tích này đã được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến không gian chung của toàn bộ ngôi nhà. Với kích thước này, giếng trời sẽ hài hòa và không ảnh hưởng đến không gian chung của toàn bộ căn nhà.
Vị trí đặt giếng trời
Thông thường, vị trí đặt giếng trời tốt nhất là giữa nhà, đặc biệt ở cạnh cầu thang nhằm tối ưu hóa khả năng lấy sáng và thông gió. Tuy nhiên, tùy thuộc theo thiết kế và diện tích của ngôi nhà, giếng trời có thể đặt ở nhiều vị trí khác nhau như phòng khách, cuối nhà, phòng bếp...
Giếng trời đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà giúp phân bổ ánh sáng và không khí đều khắp không gian. Tuy nhiên, vị trí này có thể chiếm nhiều diện tích, nên cân nhắc kỹ lưỡng nếu nhà diện tích nhỏ.
Ưu điểm của giếng trời ở cạnh cầu thang là tận dụng không gian chết và tiết kiệm diện tích. Hạn chế của giếng trời đặt cạnh cầu thang là ảnh hưởng đến việc đi lại.
Giếng trời bố trí tại phòng khách mang đến không gian thoáng đãng, phù hợp với nhà ống.
Bằng Lăng (tổng hợp)